Chào mừng bạn ghé thăm tinnhac.com từ google. Tinnhac.comtrang thông tin âm nhạc hàng đầu Việt Nam. Trải nghiệm tinnhac.com ngày hôm nay để không bỏ lỡ những tin tức âm nhạc chuyên sâu và hấp dẫn nhất!

Phê bình và định giá âm nhạc Việt Nam đang về đâu?

Rõ ràng, thực tế hiện nay cho thấy thị trường âm nhạc Việt Nam đang vắng bóng những nhà phê bình chuyên nghiệp. Và điều đó, khiến cho nhiều người làm nghề chân chính, đặc biệt là lớp nghệ sĩ tiền bối của làng nhạc Việt đau đáu, trăn trở nhiều nỗi niềm không thể gọi thành tên...

Thị trường âm nhạc mới – Thời của âm nhạc giải trí?

Với sự phát triển mạnh mẽ của thời đại nhạc số và truyền thông xã hội như hiện nay, có thể nói thị trường âm nhạc Việt Nam chưa bao giờ đến gần hơn với công chúng như thế. Chỉ một cú "click chuột", khán giả đã có thể nghe cô ca sĩ này hát, hay xem anh nghệ sĩ kia biểu diễn trong một liveshow riêng... Âm nhạc - vốn dĩ là món ăn tinh thần của công chúng, nay nhờ sự hỗ trợ của kỹ thuật hiện đại thì càng gần gũi hơn bao giờ hết. Quả là một tín hiệu đáng mừng!

Thế nhưng, điều đáng nói ở đây là chất lượng giá trị của âm nhạc Việt Nam hiện nay. Liệu giá trị của nhạc Việt có đi lên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội hiện đại? Bởi điều đáng sợ nhất của nghệ thuật, đó là làm ra một sản phẩm thiếu tính sáng tạo, dễ dãi hùa theo đám đông!

Tính về mặt bằng chung, thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay được trẻ hóa một cách mạnh mẽ. Sự phát triển của xã hội và việc cập nhật xu hướng âm nhạc đang thịnh hành trên thế giới đã khiến cho nhạc Việt được thổi một làn gió mới - trẻ trung và thời thượng hơn. Không thể phủ nhận, thị trường nhạc Việt hiện không thiếu những người làm nhạc tài năng và có tâm với nghề. Không kể đến những lớp nghệ sĩ tiền bối, những nhạc sĩ tài năng như Anh Quân, Quốc Trung, Huy Tuấn, Đức Trí… và lớp nghệ sĩ trẻ như Tiên Tiên, Lê Cát Trọng Lý, Vũ Cát Tường, Mew Amazing…. là những người làm nhạc được đông đảo công chúng mến mộ và đặt nhiều niềm tin cũng như kỳ vọng. Về ca sĩ, có nhiều ngôi sao ca nhạc như diva Thanh Lam, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tùng Dương, Mỹ Tâm, Thu Minh… vẫn giữ vững được phong độ về thực lực trong giọng hát, tư duy âm nhạc… Họ vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, tiếp cận những tinh hoa và cái mới trong xu hướng âm nhạc để luôn mang đến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc chất lượng nhất.

Ca sĩ Quách Tuấn Du vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi hát Bolero trên nền nhạc sôi động và những hình ảnh bikini mát mẻ trong MV "Bolero Mix - Quách Tuấn Du Pool Party" 

Tuy nhiên, vẫn có một thực tế không thể chối cãi rằng phần đa nhạc Việt hiện nay giống như một "nồi lẩu thập cẩm" khi các thể loại nhạc được trộn lẫn vào nhau một cách tham lam, thiếu đi sự tinh tế vốn có của nó. Một ca khúc pop ballad vẫn có thể được pha trộn thêm 1 chút EDM, một ca khúc bolero trữ tình cũng được làm mới khi remix đủ các thể loại nhạc, có những ca khúc nhạc Việt khi cất lên lại khiến cho người nghe có cảm giác họ đang được thưởng thức một bản nhạc của Kpop trộn lẫn Âu Mỹ... Để làm gì? Để không bị lạc hậu với guồng chảy của thị trường âm nhạc hiện đại? Để mang tính lạc quan cho bài hát vốn có nội dung tự sự, trữ tình như lời tác giả và ekip thực hiện muốn truyền tải đến công chúng nghe nhạc? Chỉ tiếc rằng, khách quan mà nói, “tuổi thọ” của những ca khúc này lại không được bền lâu, khán giả có thể dễ nghe, dễ thích nhưng cũng dễ quên. Chưa kể đến việc trộn lẫn mang tính “học hỏi” của một số bộ phận nghệ sĩ trẻ lại khiến cho chưa bao giờ việc tố đạo nhái, ăn cắp nhạc lại xuất hiện nhiều đến như vậy. Khi những giá trị cũ chấp nhận luồng gió mới của lớp trẻ, không có nghĩa là buộc phải thỏa hiệp với những điều dễ dãi, có phần "nhố nhăng". Điều đó lại khiến cho những người yêu nhạc hoài niệm về những bản nhạc bất hủ vẫn sống mãi cùng thời gian do các nghệ sĩ thế hệ đi trước mấy chục năm sáng tác…

Cộng với đó, âm nhạc dường như không chỉ gói gọn trong biên độ là ca từ, giai điệu, giọng ca nữa - cũng giống như cuộc sống hiện nay, câu “ăn no mặc ấm” đã đổi thành “ăn ngon mặc đẹp”. Để phù hợp với sự phát triển của cuộc sống hiện đại, âm nhạc đến với công chúng đáp ứng đủ cả 2 yếu tố nghe và nhìn. Những sản phẩm âm nhạc được đầu tư kỹ lưỡng, thậm chí mạnh tay cho mặt hình ảnh, những chương trình ca nhạc được thực hiện với chi phí khủng cho khâu dàn dựng sân khấu, tiết mục hoành tráng… đảm bảo cho khán giả khi thưởng thức phải thốt lên “Mãn nhãn!”.

Thế nhưng, ngoài hiệu ứng tích cực mà việc đầu tư phần nhìn mang lại cho công chúng, thì cũng có nhiều sự biến tướng của nghệ thuật khiến cho khán giả phải dở khóc dở cười. Có lẽ, chưa bao giờ khán giả lại bắt gặp nhiều hình ảnh hở hang táo bạo đến đỏ mặt của các ca sĩ trẻ thời nay đến thế, cũng như chưa lúc nào được thưởng thức nhiều màn vũ đạo nóng bỏng “đốt mắt” người xem đến vậy. Ranh giới giữa cái đẹp, sự sexy quyến rũ và sự phản cảm thật mong manh, mà thật đáng tiếc, hiện nay nhiều ca sĩ đang đi vào con đường đó! Không chỉ có vậy, sự biến tướng của việc làm mới nhưng không tới của các thể loại nhạc khiến cho khán giả đôi lúc phải lắc đầu ngao ngán, tự hỏi đâu là nghệ thuật và đâu là sự nhố nhăng của thời âm nhạc là giải trí? Và âm nhạc – là nghe hát hay xem hát mới đúng với thực tế hiện nay?

Vắng bóng những nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp hay thời của sự phê bình âm nhạc chỉ mang tính vuốt ve?

Khi những mặt hạn chế của giá trị âm nhạc hiện nay khiến cho nhiều nghệ sĩ làm nghề chân chính, đặc biệt là lớp nghệ sĩ tiền bối của làng nhạc Việt đau đáu, trăn trở nhiều nỗi niềm không thể gọi thành tên, người ta tự hỏi rằng những nhà phê bình và định giá trị âm nhạc Việt Nam chuyên nghiệp đang ở đâu?

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, cái tai của công chúng nghe nhạc lại thuộc về cái tạm gọi là “tai nghe để giải trí” như nhận định cá nhân của nhạc sĩ Trương Nam Sơn. Có nghĩa là, mặc dù có nghe nhạc để cảm thụ, nhưng công chúng đến với âm nhạc vì mục đích đơn giản hơn như nghe vì sở thích, hoặc nghe để tiêu tốn thời gian, chứ không đòi hỏi phải phân tích. Cộng với việc những gameshow truyền hình ca hát xuất hiện nhan nhản trong những năm gần đây - vì rating và lợi nhuận kinh doanh mà mời thành phần ban giám khảo “trái tuyến”, hoặc dành vị trí “ghế nóng” cho những người thiếu trình độ chuyên môn nhưng đang “thừa” sự nổi tiếng, hoặc có trình độ chuyên môn nhưng cũng chỉ làm “tròn vai” càng khiến cho nhiều người lo ngại về hướng đi trong tương lai của việc thẩm định giá trị nhạc Việt. Có khán giả đã phải thốt lên rằng: “Trừ các chương trình thật sự nghiêm túc mới cần các nhà lý luận phê bình tham gia chứ đa phần bây giờ là giải trí kèm quảng cáo thu tiền nên chỉ cần những nhà "lý luận tay ngang" để góp thêm phần "hài hước" mà thôi....”.

Việc Hari Won - một cô ca sĩ Hàn Quốc hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam, chưa có nhiều thành tựu đáng kể trong sự nghiệp làm giám khảo cuộc thi Biến đổi hoàn hảo gồm những thí sinh là ca sĩ chuyên nghiệp khiến cho nhiều người bất ngờ, thậm chí hoang mang về giá trị phê bình âm nhạc chuyên nghiệp hiện nay của thị trường nhạc Việt

Hiện nay, nước ta có 3 hội chuyên ngành lớn về âm nhạc là Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc Hà Nội và Hội Âm nhạc TP.HCM. Ở mỗi Hội đều có các tiểu ban Lý luận phê bình, cho thấy rõ ràng tầm quan trọng của lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp trong dòng chảy của thị trường nhạc Việt, đặc biệt trong việc phân tích, thúc đẩy và kích thích lĩnh vực sáng tác phát triển tốt hơn. Ở các trường âm nhạc chính quy cũng có chuyên ngành lý luận phê bình âm nhạc với rất đông sinh viên được đào tạo bài bản. Nói vậy để thấy, số lượng các nhà lý luận phê bình âm nhạc chuyên nghiệp không ít, nhưng vai trò của họ quá mờ nhạt và chỉ mang tính lý thuyết, chung chung. Họ ở đâu – những ngòi bút lý luận phê bình chân chính đang “ẩn dật” nơi nào chính là nỗi niềm mà những người làm nghề chân chính như nhạc sĩ Trần Minh Phi trăn trở, đặc biệt trong bối cảnh âm nhạc đương đại có nhiều biến chuyển và những bài mang tính chất phê bình chỉ được thực hiện bởi các nhà báo, phóng viên có chút ít kiến thức về âm nhạc viết và nhận định theo ý kiến chủ quan.

Có thể thấy rằng, lý luận phê bình âm nhạc hiện nay chỉ đang nặng về nghiên cứu, nhưng lại ngại việc phê bình. Chính vì lẽ đó, lý luận phê bình chuyên nghiệp đang gần như bị “gạt” ra ngoài lề của guồng quay thị trường âm nhạc hiện nay. Thậm chí, lý luận phê bình làm kẻ ngoài cuộc khi có những vụ tranh cãi về âm nhạc nổ ra trên công luận. Từ lúc nào mà lý luận phê bình không còn không khí tranh luận, thiếu đi tính thời sự, học thuật sắc bén mà chỉ thiên về vuốt ve, nặng về ca tụng? Từ lúc nào mà lý luận phê bình thiếu đi sự thẳng thắn, công tâm và khách quan vốn có của nó, nhường lại cho nỗi sợ hãi mang tên “tẩy chay” từ phía nghệ sĩ và cộng động mạng? Từ lúc nào, nếu một bài lý luận phê bình chuyên nghiệp xuất hiện, người ta lại cho rằng đó là cuộc “giải quyết ân oán giang hồ” mang tính cá nhân bằng ngòi bút? Với lối suy nghĩ ấy, không khó để có thể hiểu tại sao lý luận phê bình đang trở nên e ngại, rụt rè hơn và không dám nói hết, nói thẳng những suy nghĩ của mình…

Cần những nhà phê bình âm nhạc chuyên nghiệp, thích ứng với từng thể loại âm nhạc khác nhau

Vấn đề thiếu nhà phê bình âm nhạc là chuyện xảy ra trên cả thế giới từ rất nhiều năm qua chứ không phải riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, lý luận phê bình chuyên nghiệp chưa hoàn thành tốt vai trò của mình cũng có nguyên nhân của nó, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu, theo như nhạc sĩ Trần Minh Phi và nhạc sĩ Thế Bảo nhận định, rằng “Những tri thức mà các nhà phê bình âm nhạc được học trong nhà trường hầu hết ít được cập nhật, cơ cấu bộ môn của các nhạc viện ít theo kịp tính hiện đại nên “chiếc áo” Lý luận phê bình dường như trở nên quá khổ đối với họ trong thực tiễn đời sống âm nhạc hiện đại”. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà thị trường âm nhạc Mỹ cũng đã từng một thời vướng phải khi các thể loại nhạc đường phố "bùng nổ" gần như áp đảo các thể loại nhạc truyền thống khác như nhạc kịch, Jazz, Pop... Khi dòng chảy của âm nhạc phát triển quá mạnh mẽ theo hướng sáng tạo vô biên của người nghệ sĩ thời đại, thì những lý thuyết học thuật mang tính bài vở học được trong trường lớp không còn phù hợp để làm quy chuẩn bình phẩm giá trị của một sản phẩm mới.

Để lý luận phê bình chuyên nghiệp trở lại và có những phân tích, định hướng chất lượng, theo nhạc sĩ Thế Bảo (Trưởng ban lý luận Hội nhạc sĩ VN) cho rằng nên lập một viện đào tạo âm nhạc đại chúng và có một khoa phê bình nhạc trẻ riêng, để tránh tình trạng ôm đồm, chồng chéo trong việc phê bình từng thể loại âm nhạc. “Học Nhạc viện thì phải biết phê bình nhạc giao hưởng, thính phòng, còn xuất thân từ trường Quốc nhạc thì phê bình được nhạc dân tộc, tốt nghiệp từ Viện âm nhạc đại chúng thì phê bình nhạc trẻ” – nhạc sĩ Thế Bảo khẳng định. Trong khi đó, nhạc sĩ Trương Nam Sơn lại cho rằng, hiện tại thị trường âm nhạc Việt Nam đang thiếu vắng khuôn mặt của các công ty chuyên nghiệp với sự hợp tác của những nhạc sĩ có tài và tâm để tạo ra một hiệp hội khảo sát thị trường âm nhạc. Dựa trên những kết quả khảo sát này, có thể phân tích đúng tình hình biến động của thị trường âm nhạc, để từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị của nhạc Việt từng thời điểm. Đồng thời, lĩnh vực phê bình âm nhạc cũng sẽ có nhiều màu sắc và phong phú hơn.

Hoàng Cúc