Thanh Bùi: “Nhiều bạn trẻ không hiểu đạo nhạc là gì"
Ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi đã có những chia sẻ góc nhìn mới mẻ về thị trường âm nhạc.
Cuối năm trước, chàng ca sĩ Việt kiều Australia gây được tiếng vang lớn trong làng âm nhạc khi hợp tác thành công với nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc với ca khúc “Danger” . Tuy nhiên khi được hỏi, Thanh Bùi lại thắng thẳn: “Nghệ sĩ Việt hãy học hỏi âm nhạc thế giới, thay vì bắt chước Hàn Quốc.”
Kết thúc năm 2014, anh nhận thấy mình hài lòng và còn chưa hài lòng điều gì ở bản thân?
2014 là một năm đầy thử thách và khi nhìn lại, tôi cảm thấy rất thoải mái vì đã làm hết mình và không có điều gì hối hận. Tôi đã làm tròn nhiệm vụ của một người chồng, người thầy và người nghệ sĩ. 2014 cũng là năm đánh dấu thành công trong hoạt động âm nhạc quốc tế tôi vẫn luôn ấp ủ. Tuy vậy, giống như chiếc thuyền nhỏ bước dong ra đại dương, tôi còn phải đương đầu với nhiều sóng lớn khó khăn phía trước. Điều khiến tôi tự hào và hạnh phúc nhất là mỗi ngày mình được sống theo cách mình muốn và có đóng góp với thị trường âm nhạc cũng như văn hóa Việt Nam.
Với Thanh Bùi, hài lòng với thành công không khác gì dậm chân tại chỗ.
Anh có nghĩ mình đã thành công khi trở thành nghệ sĩ được giới chuyên môn đánh giá cao lẫn thị trường đón nhận?
Chưa đâu. Từ tôi đã ba mẹ giáo dục rằng không bao giờ được nghĩ mình giỏi, càng học nhiều lại càng thấy mình thiếu sót. Để leo lên đến đỉnh Everest, nhà leo núi cần phải chuẩn bị rất nhiều thời gian công sức và đến bây giờ, tuy ít nhiều tôi đã nhìn thấy đỉnh núi cần vươn tới nhưng vẫn chỉ mới ở bước đầu tiên và vẫn còn hơn 8.800 bước nữa mới đạt đến mục tiêu.
Điều đó có nghĩa là anh sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với thành công?
Tôi mới chỉ 31 tuổi, còn rất trẻ so với nhiều nghệ sĩ khác, tôi còn rất trẻ. Khi hiểu bản thân hơn, tôi lại thấy mình có thể làm nhiều hơn. Ngược lại, tôi rất sợ một khi hài lòng là dậm chân tại chỗ, mất đi lửa với nghề.
Làng nhạc Việt năm qua có khá nhiều sự kiện ồn ào, thu hút quan tâm từ truyền thông và dư luận, đặc biệt là vấn đề liên quan đến tác quyền, bản quyền, và đạo nhái ca khúc. Nhìn từ góc độ chuyên môn, anh nghĩ sao về các sự kiện này?
Thị trường âm nhạc nào cũng phải trải qua những giai đoạn như thế này. Mọi thứ đều phải thay đổi và một thị trường âm nhạc đang phát triển tất yếu cũng sẽ thay đổi. Nhiều bạn trẻ không hiểu đạo nhạc là gì, bởi các em không hề được ai hướng dẫn chỉ bảo. Trước khi chỉ trích, người lớn chúng ta cần xem lại mình đã cung cấp đủ thông tin cho các em chưa?
Âm nhạc Việt Nam vẫn cần thêm thời gian ổn định và vững chắc để có thể tiếp cận tinh hoa nước ngoài. Thanh mong rằng, việc thị trường quan tâm đến vấn đề bản quyền không phải là xu hướng nhất thời mà đây là một định hướng rõ ang: nghệ thuật được đánh giá cao hơn, nghệ thuật được tôn vinh.
Liệu có phải anh cảm thấy các nhạc sĩ tại Việt Nam vẫn chưa được coi trọng đúng mức?
Việc này cần xét trên nhiều phương diện. Tại các giải thưởng âm nhạc như ZMA hay YAN Vpop 20 Awards, luôn có các hạng mục vinh danh ca khúc và người làm nên ca khúc. Đây là nguồn động lực tinh thần rất lớn với các nhạc sĩ.
Tuy nhiên, các nghệ sĩ không thể làm nghệ thuật một cách miễn phí. Tại nước ngoài, người làm nhạc có thể kiếm được rất nhiều từ một bài hát, tái đầu tư. Để chuẩn bị cho một bài hát, họ có thể tốn đến 3-4 tháng và nhạc sĩ có bài hit kiếm được hàng triệu đô. Tại Hàn Quốc, họ sẵn sàng đầu tư 100 ngàn đến hơn 200 ngàn đô cho một MV. Thị trường âm nhạc Việt Nam chưa tạo được niềm tin cho các nhạc sĩ, ca sĩ rằng sức lao động nghệ thuật của họ được đáp trả xứng đáng để họ có thể tiếp tục đầu tư vào những sản phẩm tiếp theo. Bởi vậy, tư duy của người thưởng thức âm nhạc cần phải thay đổi. Sức lao động nghệ thuật là tài sản của một con người. Khi bạn không trả tiền mà vẫn sử dụng và thưởng thức, điều đó giống như bạn đang lấy đi tài sản của người khác.
Theo anh đâu là những phong cách âm nhạc nổi bật nhất thị trường âm nhạc thời gian qua?
Phong cách thể hiện có thay đổi nhưng về chiều sâu, gu thẩm mỹ không thay đổi nhiều. Vpop hiện nay đang chịu ảnh hưởng từ Kpop quá nhiều. Thế nhưng Kpop lại là người đi học hỏi từ Âu - Mỹ, bởi vậy âm nhạc Việt Nam nên học hỏi từ nguyên bản, chứ đừng lấy từ bản sao. Nhiều người chúng ta không hiểu rằng đa số nhạc Kpop đều do nghệ sĩ quốc tế viết chứ không phải người Hàn Quốc.
Việt Nam thiếu thốn điều kiện để nghệ sĩ tìm hiểu và học hỏi, để xác định phong cách và cái chất âm nhạc của riêng mình. Những người như chị Thu Minh, Hồng Nhung hay Mỹ Tâm đều phải tự học tự tìm hiểu rất nhiều. Họ là những nghệ sĩ bản năng, và Thanh rất ngưỡng mộ những thành tựu của họ. Nghệ sĩ trẻ cần phải yêu nghệ thuật, đam mê và làm nghệ thuật vì nghệ thuật. Không ai có thể trở thành ngôi sao ngay được nhờ chiến thắng một cuộc thi truyền hình.
Nói về nghệ sĩ trẻ, ca khúc nhạc Việt nào của họ anh nghe nhiều nhất trong năm vừa qua?
Trong số các nghệ sĩ trẻ, tôi rất thích Vũ Cát Tường và Trúc Nhân. “Bốn chữ lắm” là một ca khúc dễ thương mà các học trò của Thanh thường xuyên hát đi hát lại. Càng ngày tôi cũng càng thích nhạc Trịnh Công Sơn, xứng đáng là âm nhạc bất hủ của Việt Nam.

