Trong số 10 ca khúc mới toanh thuộc “Ten On Ten”, có vẻ thịnh hành nhất vẫn là “Giả vờ say”, “Xin lỗi anh quá phiền”, “Người từng nói” và “Gọi em đi” – 4 bài hát đã được Đông Nhi phát hành MV đính kèm hay còn được biết đến với danh xưng – những hit ở thời đại mới của bạn gái Ông Cao Thắng. Nói vậy không có nghĩa là “Kẹt nguyệt”, “Đóng cửa then cài trám xi măng”, “Con rối của em”,… thậm chí single được nhận định là nhạt nhoà nhất “Vì anh quá yêu em” không đáng nghe bởi chính xác hơn thì những tác phẩm còn lại của cô KHÔNG DỄ NGHE. Ở đây, Đỗ Hiếu thể hiện được cái tài chơi-với-nhạc khi gọi chung là dòng nhạc điện tử nhưng không ca khúc nào trong “Ten On Ten” trùng hợp với ca khúc nào. Vẫn mang tiết tấu dồn dập, gấp gáp nhưng “Con rối của em” có phần ma mị, “Giả vờ say” lại chứa đựng nét quyến rũ, lả lơi, còn “Xin lỗi anh quá phiền” đem đến cảm giác phóng khoáng lẫn hả hê. Tất nhiên, những ấn tượng đó là do lối hát đa dạng và thật tâm của Đông Nhi mà ra nhưng chẳng thể nào phủ nhận sự đồng cảm trong âm nhạc đến mức tri kỉ giữa Nhi và Hiếu đã giúp “Ten On Ten” giàu sức gợi đến vậy.
So với những bản hit cũ, của vài năm trước đây thôi: “Vì ai vì anh”, “Cất giấu kí ức”,… quả thực nhạc Đông Nhi lần này không dễ thấm, thậm chí, có khán giả phải mất cả 2,3 tháng mới thực sự “ngấm” được thông điệp trong “Kẹt nguyệt”, “Đóng cửa then cài trám xi măng”,… Tuy nhiên, nếu đã quen tai, quen với tiết tấu nhanh, mạnh trong từng bài EDM, khán giả sẽ rất khó để dứt, nghe lần 3, sẽ có lần 4, lần 5, giống như cách các Potatoes hát theo không sót một bài trong “Ten On Ten” tại liveshow kỉ niệm 10 năm ca hát của Nhi, dẫu nó chỉ cách nhau có khoảng 1 tuần
Ở một khía cạnh nào đó, thứ âm nhạc mà “Ten On Ten” theo đuổi rất giống “Chạy ngay đi” của Sơn Tùng M-TP,
tuy không đáp ứng được thị hiếu đám đông nhưng
văn minh, hiện đại và có cá tính.
Thế nên, người ta có thể nói Nhi, Tùng không tạo được hit mới, nặng lời hơn là “hết thời” nhưng chẳng ai nói được họ NHẠT khi sản phẩm sau luôn mới so với sản phẩm trước, mức độ đầu tư, hoành tráng cũng từ đó mà tăng dần theo từng năm.
Nếu phải so sánh thì Đông Nhi của “Giận lòng”, “Lời thú tội ngọt ngào”, “Gương”,… giống như một ly café sữa, vì ngọt ngào nên ai cũng có thể uống được, còn Đông Nhi của “Ten On Ten” lại
Không khác gì một cốc café đen đặc,
vì đắng nên mang tính chọn lọc
và phân hoá rất cao
10 ca khúc trong album phòng thu thứ 3 của Nhi được sắp xếp theo một tiến trình hoàn chỉnh và chặt chẽ, mô phỏng gần như nghiêm túc hành trình theo đuổi âm nhạc từ lúc còn bỡ ngỡ của cô đến nay:
Đông Nhi trong “Giả vờ say”, “Gọi em đi” vẫn còn chút kiêu hãnh, chủ quan của một người phụ nữ làm chủ trong tình yêu.
Đông Nhi trong “Em không muốn nghi ngờ”, “Kẹt nguyệt” bắt đầu loay hoay, u mê trong cái vòng quẩn quanh, tăm tối.
Sang đến “Con rối của em”, “Xin lỗi anh quá phiền”, người ta lại thấy cô chơi đùa cùng tình cảm.
Và rồi “Đóng cửa then cài trám xi măng”, “Người từng nói”, “Vì em quá yêu anh” trở về với hình ảnh cô gái yếu đuối, dằn vặt, đớn đau.
Cuối cùng là lời khẳng định đầy chân thành và tha thiết “Đừng để anh đánh rơi em này”.
cùng Đỗ Hiếu là “Xin lỗi anh quá phiền” cũng chỉ nói về tình yêu nam nữ. Thế nhưng, cô lại mượn thứ tình cảm thiêng liêng ấy để mô phỏng lại hành trình sống chết cùng âm nhạc của mình.
Đông Nhi của những năm đầu được mệnh danh là “nữ hoàng teen pop”, tung bài nào là bài nấy thành hit. Cô sống trong sự tung hô nên không gần như không biết đến thực tại đáng sợ mang tên khán-giả-quay-lưng.
Đến khi teen pop lụi tàn, Nhi loay hoay khá lâu để bắt nhịp với xu hướng âm nhạc của thời đại mới, trước khi thực sự vươn tới đỉnh cao nhờ cú bắt tay trong “Bad Boy” cùng Đỗ Hiếu.
Sau ánh hào quang ấy là giai đoạn flop kéo dài gần 2 năm, để rồi từ giữa năm 2018 đến nay, cô trở lại, bùng nổ với loạt dự án khủng kỉ niệm 10 năm ca hát. Thế mới nói, nếu chỉ nghe nhạc của Nhi mà không hiểu về con đường cô đang đi sẽ rất nhanh từ bỏ album “Ten On Ten” chỉ sau vài ca khúc và càng không thể trân trọng hết những nỗ lực mà cô đã phấn đấu nhằm hàn gắn nội bộ fandom đã từng lục đục.
Đầu năm 2018, các khán giả của Nhi vẫn còn tha thiết yêu cầu cô dừng hợp tác với Đỗ Hiếu bởi Nhi càng đi, càng thất bại, chăm chỉ tung MV nhưng không một sản phẩm nào có được triệu view. Người ta nói cô hết thời, thụt lùi, mất phong độ. Người ta ao ước Nhi trở lại thời điểm của “Sau mỗi giấc mơ”, “Sao chờ mãi”, “Cho em một lần yêu”, “Trách ai bây giờ”,… bởi đấy mới là giai đoạn Nhi được lòng đám đông nhất, nhạc của cô dễ nghe nhất. Nhưng người ta đâu biết, Nhi lúc ấy chỉ ra một cô ca sĩ đang ở giai đoạn chuyển giao từ teen pop sang ballad. Nhạc cô đúng là nghe được, hát theo được, tuy nhiên, nó còn sến súa, nhạt nhoà, nhất là khi giọng của cô không đủ nội lực để so sánh với những “thánh ballad” như Thuỳ Chi, Mr.Siro,… Hơn nữa, Nhi của ngày còn trung thành với ballad không phải là sự lựa chọn hoàn hảo cho những sự kiện quốc tế. Bởi chỉ khi bùng nổ với “Bad Boy”, khán giả nước nhà mới thực sự tự hào khi năm lần bảy lượt cô đem hit này trình diễn tại các đại nhạc hội lớn trong khu vực.
Đông Nhi của 5 năm trước – hit liên tục
nhưng chỉ mãi quẩn quanh trong cái “ao làng
Có một thực tế hơi phũ phàng là dẫu “gia tài” hit ballad của Đông Nhi nhiều vô số kể nhưng ca khúc được cô đưa lên các sân khấu quốc tế đầu tiên, nhiều nhất lại là “Bad Boy”, sau này là “Xin anh đừng” phiên bản remix. Đông Nhi hát ballad có hay không, có tình cảm không? Câu trả lời là có. Nhưng nó có phù hợp với một sự kiện đa quốc gia – nơi thể hiện đẳng cấp và khả năng làm chủ sân khấu của các đại diện đến từ nhiều đất nước trong khu vực không, thì có vẻ là không. Với những bản phối mới lạ của Đỗ Hiếu, Đông Nhi biết cách gây ấn tượng nhờ khả năng vũ đạo thuần thục cùng giọng hát nội lực với khán giả Hàn Quốc, Nhật Bản rồi Indonesia… Hơn hết, EDM mới là “thánh địa” của cô – một nữ ca sĩ đa sắc màu, cá tính, ngày càng quyến rũ và trưởng thành. Nhờ đó mà trong suốt 2 năm không có hit, Nhi vẫn là lựa chọn hàng đầu tại các đại nhạc hội mang tính giao lưu trong khu vực châu Á, “flop” đấy mà không hề “ao làng”.
Đông Nhi của ngày hôm nay - dù flop
nhưng cũng là flop trên sân khấu quốc tế
Nếu không phải tại liveshow “Ten On Ten”, Đông Nhi tái hiện lại một loạt hit ở thời teenpop: “Nhất quỷ nhì ma”, “Chàng Baby Milo”, “30 ngày yêu”,… chắc ít ai còn tìm được mối liên hệ giữa Đông Nhi hiện tại với Đông Nhi của 10 năm trước. Cô – bắt đầu từ năm 2017 đã chuyển hướng sexy, thường xuyên làm bạn với lối trang điểm đậm, gu thời trang nóng bỏng. Cô – từ cuối năm 2018 đến nay gắn bó với EDM, bất chấp nhiều fan có thể không hài lòng. Có người nói “nữ hoàng teen pop” ngày xưa chết rồi… Nhưng “chết” thì đã làm sao? 10 năm còn đủ thay đổi một người bình thường, huống chi là người của công chúng như Nhi. 2 năm đã khiến Bích Phương “lột xác” ngoạn mục, huống hồ một cô ca sĩ vốn đã đa dạng phong cách như Nhi.
Trong nghệ thuật, không sáng tạo
đồng nghĩa với “cái chết”.
Đông Nhi thà tự tay giết chết hình ảnh
của quá khứ còn hơn là để bản thân “một màu”.
Cô của ngày hôm nay, có lẽ đang ở thời điểm tự tin nhất, xinh đẹp nhất, táo bạo nhất, cũng như được nể nang nhất. Nhưng để đứng được trên ánh hào quang này, Đông Nhi đã phải đánh đổi 10 năm đẹp đẽ nhất của tuổi thanh xuân, dành hàng giờ mỗi ngày luyện thanh, luyện tập vũ đạo. 10 năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, 10 năm ăn vội, ngủ vội để luôn xuất hiện trên sân khấu với hình ảnh lộng lẫy, chỉn chu, 10 năm đổi lấy 1 album chỉ có 10 bài nhưng đó là cả hành trình dài để rũ bỏ chiếc váy của công chúa nhằm đội lên đầu vương miện của nữ hoàng. Và Đông Nhi đã thực sự làm được…