Ngoại trừ những trường hợp cứ comeback là có
hit, Vpop hiện nay đang lưu truyền công thức
tạo hit đúng với 80% ca sĩ trẻ: Ballad + MV drama.




Theo khảo sát trong 2 năm 2018 – 2019, Vpop ngày càng thịnh hành xu hướng MV được thực hiện dưới dạng drama với đặc trưng: bối cảnh đẹp, cốt truyện kịch tính, nhiều twist bất ngờ, có thời lượng không khác gì một phim ngắn (trung bình từ 6 – 11 phút). “Anh đang ở đâu đấy anh”, “Em đã thấy anh cùng người ấy”, “Một bước yêu vạn dặm đau”, “Rời bỏ”, “Chấp nhận”, “Duyên mình lỡ”, “Chạm đáy nỗi đau”, “Những kẻ mộng mơ”, “Màu nước mắt”, “Tự tâm”… đều là những MV dễ dàng lọt vào Top Trending Youtube chỉ sau 24 giờ, thậm chí là sau vài giờ phát hành. Điển hình, Hương Giang, Nguyễn Trần Trung Quân, Jack và K-ICM còn “thừa thắng xông lên” đầu tư cả một series drama như #ADODDA hay các phần 2, phần 3 của “Tự tâm”; “Bạc phận”,…


Sang đến đầu 2020, do ảnh hưởng bởi dịch nên so với cùng kì mọi năm, Vpop năm nay rõ ràng “hạ nhiệt” hẳn, thế nhưng phần kết trong series #ADODDA của Hương Giang là “Tặng anh cho cô ấy”, “Chân ái” (Orange ft Khói), “Khóc cùng em” (Mr. Siro) vẫn chứng minh công thức tạo hit quen thuộc: drama + ballad. Đặc biệt, “Tặng anh cho cô ấy” còn trực tiếp phá kỷ lục của “Hãy trao cho anh” (Sơn Tùng M-TP) để trở thành MV thống lĩnh Top 1 Trending Youtube nhanh nhất lịch sử Vpop chỉ sau 4 tiếng lên sàn, dẫu chính Hương Giang còn phải công nhận: “âm nhạc trong MV 12 phút chỉ là tư liệu, là chủ đề phù hợp với kịch bản để giúp đẩy cảm xúc của mọi người lên cao trào. Không ai có thể xem một MV 12 phút để nghe nhạc. Âm nhạc sẽ là một cuộc chiến riêng trên bảng xếp hạng dành cho phần bài hát, hãy nhìn vào thành tích trên đó để đánh giá”.
Nói vậy không có nghĩa là Top Trending Youtube Việt Nam hiện nay đều do MV drama đóng chiếm. “Chạy ngay đi”, “Hãy trao cho anh” là 2 MV của Sơn Tùng M-TP nằm ngoài các xu hướng thịnh nhưng đều nắm giữ vị trí No.1 tab thịnh hành trong nhiều ngày liên tiếp. Tương ứng, “hoàng tử mưa” cũng là trường hợp ngoại lệ ở làng nhạc Việt khi hoặc là tự tạo trend, hoặc là đi ngược lại lại thị hiếu thông thường nhưng cả fan và antifan đều tình nguyện “đặt gạch hóng”.


Đặc trưng của netizen Việt là tò mò, thích tranh cãi, “giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Mà đặc trưng của các MV drama, đặc biệt là MV theo mô típ “con giáp thứ 13” hay “tình yêu không có lỗi, lỗi ở bạn thân” lại là tạo được tính ức chế, đánh thẳng vào "gu thưởng thức", thích bình luận, suy đoán, thậm chí là tự suy diễn ra cả phần kết của phần đông khán giả hiện nay. Đôi khi MV dạng này không cần những cảnh quay hoành tráng, kĩ xảo hiện đại, cũng chẳng cần concept, mô típ mới lạ, chỉ cần nội dung đủ để hấp dẫn người xem, kể cả khiến họ "tức sôi máu" là đã nắm giữ 60% phần thắng khiến netizen phải ngồi xem đến cuối MV.


Tính ra, MV drama ở thời đại này đang làm rất tốt vai trò của nó, tức là khiến khán giả phải bàn tán trực tiếp về nội dung chứ không phải để tâm đến những chiêu trò ngoài lề như tạo scandal của giới ca/nhạc sĩ. Chưa kể, sự phát triển của mạng xã hội ngày càng lớn cũng giúp mỗi MV có thêm một kênh quảng bá mới và nảy sinh thêm một quy luật: cứ drama là gây bàn tán, gây bàn tán là lượt xem, share tăng vượt trội theo cấp số nhân và sớm lọt Trending Youtube.
Theo khảo sát, một video để có mặt trong Top Trending Youtube cần phải đảm bảo các tiêu chí: Video có khả năng thu hút nhiều thành phần khán giả; không mang nội dung lừa lọc, câu view hoặc quá giật gân theo hướng tiêu cực; bắt kịp xu hướng dư luận thịnh hành trên YouTube và thế giới; mới lạ, sâu sắc và mang ý nghĩa đặc biệt. Vô hình chung, đa phần các MV drama ở Vpop hiện nay lại đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí này. Bên cạnh đó, tỷ lệ view, share luôn ở mức tăng vượt trội thời gian đầu phát hành MV cũng là yếu tố giúp những sản phẩm thuộc dạng drama dễ dàng được xét duyệt vào Top Trending. Vì lẽ đó mà chẳng ngoa khi nói rằng, 90% các MV drama ở làng nhạc Việt đều có khả năng lọt vào tab thịnh hành, thậm chí còn nắm giữ thứ hạng cao. Và cũng vì thế mà ngày càng có nhiều sao Việt chọn dạng MV này để comeback, đến mức Vpop đã có thời điểm “bội thực” các MV dạng phim ngắn, theo một mô tuýp “Tuesday” như: “Vũ trụ Tuesday” của Hương Giang, “Mãi mãi là một lời nói dối” (Khổng Tú Quỳnh), “Sao chẳng phải là anh” (Chi Dân), “Có như không có” (Hiền Hồ), “Giá như cô ấy chưa xuất hiện” (Miu Lê)…


Cũng phải nói thêm, MV drama có lợi thế về thời lượng, khai thác được chi tiết hơn mâu thuẫn giữa các tuyến nhân vật nên dễ dàng khắc phục nhược điểm của các MV thông thường là tình tiết “nhảy vọt”, chuyển đoạn vô lý. Đặc biệt, các đạo diễn của dạng MV này còn thông minh đến mức chú trọng khai thác các mô tuýp được khán giả trẻ quan tâm như: “con giáp thứ 13”, đam mỹ, xuyên không, tình cảm ngược tâm…, cộng thêm việc lựa chọn một vài diễn viên đang hot trên MXH hoặc gây tranh cãi về đời tư là đảm bảo hoàn thiện được công thức tạo hit. Cứ thế, khi thị trường dồn hết sự quan tâm tới các MV drama ra mắt liền kề thì những MV có phong cách truyền thống khác cũng dễ dàng bị đánh bật, khó lòng bước vào cuộc đua Top Trending.


Điều này chắc chắn có, cũng như ballad dù chiếm thế thượng phong ở làng nhạc Việt nhưng cũng có thời điểm bị Underground/Indie “xâm lấn” mạnh mẽ. Lúc này, khi Vpop đã quá “bội thực” với các MV dài lê thê, nhất là theo mô típ “tình yêu không có lỗi, lỗi ở bạn thân”, tất yếu khán giả sẽ phải thay đổi thị hiếu sang các thể loại MV khác: dance, hoạt hình, cốt truyện đơn giản, đôi khi chỉ là một music video dạng lyric đơn giản… nhưng giúp họ tập trung được vào âm nhạc chứ không phải vắt não suy nghĩ có cú twist nào xuất hiện trong MV, nhân vật chính liệu sẽ có được happy ending hay không?
Lấy ví dụ cụ thể là tại series #ADODDA của Hương Giang, đa phần các ca khúc được dùng làm nhạc nền đều khá mờ nhạt so với cốt truyện dẫu nó là ballad dễ nhớ, dễ thuộc, nàng Hậu Chuyển giới quốc tế cũng cải thiện được khá nhiều về giọng hát. Sự hạn chế về mặt âm nhạc hoàn toàn có thể lý giải là do chủ đích của người làm MV khi họ đề cao phần hình ảnh hơn là âm thanh, muốn gây tranh cãi về mặt nội dung chứ không phải khiến khán giả hoàn toàn nhập tâm vào giai điệu. Tính âm nhạc, sau đó sẽ được họ giải quyết bằng cách tung ra một bản acoustic hoặc MV lyric đơn giản.


Xét ở phạm vi hẹp hơn là trên Top Trending: không phải MV drama nào cũng đạt triệu view và không phải cứ vào Top Trending là ca sĩ đó đã có màn comeback thành công rực rỡ. Vẫn biết nghệ sĩ Việt đổ xô đi làm MV drama để tạo dựng sức ảnh hưởng, nhằm có được những thành tích nhạc số ấn tượng chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên thứ hạng trên Top Trending chỉ là giá trị mang tính bề nổi, có thể biến mất trong một vài ngày, có lúc là vài giờ nếu vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của một “đối thủ” khác. Đôi khi, người nghệ sĩ cứ thấy “con đẻ” lọt vào Top 10, Top 3, Top 1 là đã thấy hạnh phúc, đủ điều kiện để tự hào, khoe khoang, so sánh với đồng nghiệp vì nghĩ rằng, nó là “con số biết nói” trên Youtube chứng minh cho lần comeback thành công mỹ mãn của họ mà quên mất rằng, view, like mới là con số khẳng định giá trị đường dài. MV lọt top Trending trong ngày đầu phát hành mà view 1 tháng sau vẫn lẹt đẹt cũng đồng nghĩa với việc, MV đó đã “flop sấp mặt”. Chưa tính đến chuyện, Vpop mỗi tháng đều xuất hiện hàng chục MV mới, thể loại nào cũng có, lựa chọn của khán giả đa dạng thì tính cạnh tranh của MV ngày càng cao.
Chính vì vậy, ở thời điểm các nghệ sĩ thi nhau ra sản phẩm, một MV dù drama đến đâu, tên tuổi nghệ sĩ hot đến thế nào cũng thường chỉ trụ vững ở Top đầu Trending Youtube được 1 tuần là phải nhường chỗ cho các sản phẩm kế tiếp. Đấy là còn không bàn đến việc, phân khúc này chắc chắn sẽ bị đánh bại khi những “quái vật nhạc số” Vpop như Sơn Tùng M-TP, Jack,… comeback dù sản phẩm của họ có thể không đi theo xu hướng drama hay những MV thuộc thể loại nhạc sến, nhạc chế... cũng là một đối thủ đáng gờm bởi phân khúc khán giả ở đây không nhỏ.
Một phần nữa cần nói đến chính là kinh phí sản xuất MV drama. Vì có thời lượng dài gấp 2,3 lần MV thông thường nên chi phí sản xuất cũng bị đội lên số lần tương ứng. Nếu may mắn, ca sĩ có thể xin được tài trợ từ các nhãn hàng, số tiền phải đầu tư cũng giảm bớt nhiều phần, còn ở trường hợp ngược lại, họ sẽ phải dốc hết vốn tiền tích trữ để “sống chết” với một MV có thời lượng như một phim ngắn. Tình huống này, dùng từ “hên xui” để đánh giá cũng không quá đáng bởi hên thì trúng thị hiếu khán giả, còn xui thì bị các MV các “lấp chỗ”. Ngay cả lượt xem trên Youtube có thể mang về lợi nhuận nhưng con số lợi nhuận đó thường chỉ là một con số nhỏ khi đem so với tổng chi phí để cho ra đời một MV.
“Bản thân MV drama đã cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa nghệ sĩ có tên tuổi và lứa tân binh”
Chính vì sự bất cập trong kinh phí sản xuất nên có thể thấy rõ các MV drama đã và đang lọt Top Trending hiện nay đều đến từ các nghệ sĩ có tên tuổi nhất định trong thị trường nhạc Việt. Họ - ngoài việc dễ kêu gọi tài trợ thì ít nhất cũng có đủ nguồn tài chính để sản xuất ra một sản phẩm của riêng mình, còn những gương mặt mới hoặc nghệ sĩ độc lập dù nhận thực được đây là một “nước cờ” hay, biện pháp tích cực để gây chú ý nhưng cũng chỉ có thể “lực bất tòng tâm”, ngậm ngùi chờ thời cơ mới.
Biết rằng, MV drama có nhiều “đất sống” ở Vpop, tỷ lệ thành công cũng cao hơn nhiều MV khác loại, thế nhưng, giới nghệ sĩ vẫn cần quan tâm tới cả phần nghe thay vì tập trung toàn lực cho phần nhìn gây tranh cãi. Bởi một khi rơi khỏi tab thịnh hành, thứ giữ khán giả ở lại vẫn là chất lượng thực sự của một music video, một ca khúc gợi được đồng cảm, lấy đi nước mắt ở công chúng. Không thể đòi hỏi quá nhiều phần nhạc trong một MV dài chục phút như Hương Giang đã nhận định, tuy nhiên, dung hoà được cả phần nghe lẫn phần nhìn mới là nhiệm vụ của một sản phẩm nghệ thuật chân chính.