Sự trường tồn của các nhóm nhạc Kpop: Mãi mãi hay không bao giờ?
Kpop 2016 chứng kiến một tình huống không thể bi hài hơn: lứa idol đời đầu trở lại, trong khi một số nhóm nhạc mới hơn lại thay nhau tan rã. Vậy thì đâu mới là giới hạn của sự trường tồn đối với các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc?
Vào năm 2016, với sự trở lại của Sechs Kies và màn comeback của S.E.S hay Lee Hyori sau một thời gian dài vắng bóng, hiện tượng lứa idol thế hệ đầu tiên tái xuất ngành công nghiệp giải trí dường như đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Sự “hồi sinh” của các thần tượng thế hệ 1 từng là một chủ đề gây sốc cho công chúng Hàn. Tính đến năm 2013, chỉ có mỗi Shinhwa là idolgroup đời đầu duy nhất còn hoạt động trong thị trường Kpop hiện đại. Thế nhưng, vào năm 2014, với sự trở lại của g.o.d sau 9 năm tan rã và Fly to the Sky sau 5 năm tập trung vào các hoạt động cá nhân, mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.
Tin tức về những sự trở lại này của lứa thần tượng thế hệ đầu tiên đã thắp lên niềm hy vọng cho người hâm mộ về vấn đề tuổi thọ của các idolgroup Kpop. Sau một thời gian dài không hoạt động, các nhóm nhạc trở lại với những ca khúc mới, làm thay đổi quan điểm thần tượng Kpop chỉ có vẻ ngoài và những điệu nhảy sôi động – những khía cạnh giải trí vốn chỉ gắn liền với tuổi trẻ và sức sống.
Các nhóm nhạc thần tượng Kpop vẫn thường phiền muộn với cái gọi là “lời nguyền 7 năm” (trong một số trường hợp còn được biết đến là “lời nguyền 5 năm”). Đây là cách gọi ma mị hơn của thời hạn hợp đồng giữa một nhóm nhạc thần tượng và công ty quản lý của họ. Tuổi thọ của một nhóm nhạc thần tượng thường cũng sẽ chấm dứt ngay tại mốc thời gian này, với việc từng thành viên đi theo nghiệp solo, theo đuổi những con đường khác nhau, hoặc rút lui khỏi âm nhạc và thậm chí là mãi mãi rời khỏi ngành giải trí. Người hâm mộ nhận thức được thực trạng mà các nhóm nhạc thần tượng đang phải đối mặt, và chính họ cũng đang phải đối mặt với những lo lắng tương tự.
Mặc dù sự trở về của lứa thần tượng thế hệ đầu tiên là một điều đáng mừng, nhưng lịch sử đầy thăng trầm của các idolgroup Kpop từ xưa đến nay khiến người hâm mộ không thể nào lạc quan nổi. Chúng ta đã từng chứng kiến sự chia rẽ của DBSK nhiều năm về trước, và gần đây chúng ta lại tiếp tục phải đối mặt với nhiều trường hợp tương tự, như sự tan rã của 2NE1, Nam Taehyun rời WINNER, hay BEAST nói lời chia tay với Cube để thành lập công ty riêng.
Sự tồn tại của những màn comeback bất ngờ kể trên chính là ngọn đèn hy vọng cho người hâm mộ về một khả năng tái hợp cho bất kỳ nhóm nhạc thần tượng nào. Chúng phá vỡ định kiến rằng, một khi thời hoàng kim đã qua, các thần tượng sẽ không thể hoạt động âm nhạc được nữa, hoặc không thể giữ vững vị trí của mình với tư cách là những ca sĩ và nghệ sĩ biểu diễn trong ngành công nghiệp giải trí. Có lẽ, còn một ý nghĩa vĩ đại hơn đằng sau đó – độ bền vững của các hoạt động âm nhạc và những giấc mơ tái hợp chưa bao giờ tắt trong trái tim người hâm mộ. Tuy nhiên, sự thật vẫn là, một số nhóm nhạc thần tượng chưa bao giờ thực sự chấp nhận việc mình đã tan rã. Họ thường ở trạng thái lơ lửng trong một khoảng thời gian dài gián đoạn, bởi các thành viên hoạt động tích cực trong ngành với vai trò cá nhân hơn là một nhóm.
Nhiều thần tượng thế hệ đầu tiên như Yoon Kyesang của g.o.d đã đạt được những thành công nhất định với vai trò diễn viên khi anh rời nhóm vào năm 2004. Nhưng 4 thành viên còn lại vẫn tiếp tục nỗ lực quảng bá dưới cái tên g.o.d, mặc dù từ năm 2005, họ đã bắt đầu tập trung vào các hoạt động solo. Eun Ji Won của Sechs Kies cũng luôn tích cực hoạt động với vai trò MC và thường xuyên xuất hiện trên các show truyền hình. Bản thân người hâm mộ của những nhóm nhạc này chưa bao giờ thừa nhận sự tan rã, bất chấp sự xa cách giữa các thành viên và những mâu thuẫn với công ty quản lý.
Nếu so sánh với những trường hợp trên, chỉ có một nhóm nhạc duy nhất được công chúng Hàn và fan Kpop thừa nhận chưa bao giờ tan rã, đó chính là Shinhwa. Sau gần 19 năm ra mắt, nhóm vẫn miệt mài với các hoạt động âm nhạc suốt thời gian qua. Nhóm nhạc thần tượng lâu đời nhất Hàn Quốc vừa trở lại với album phòng thu thứ 13 mang tên “Unchanging”. Họ thật sự là một biểu tượng cho sự trường tồn của các nhóm nhạc thần tượng Kpop khi hoạt động vắt dài qua 3 thế hệ idol.
Sẽ rất tuyệt vời nếu chúng ta có thể tự tin mà đi đến kết luận rằng, luôn có một khả năng tái hợp và trường tồn dành cho các nhóm nhạc thần tượng! Nói một cách công bằng, các concert trở lại của lứa thần tượng thế hệ đầu tiên gần như “cháy vé” ngay lập tức, chứng minh độ đông đảo của fandom – điều tạo ra lợi nhuận đủ để chứng minh cho sự tồn tại của các nhóm nhạc thần tượng thế hệ đầu tiên ngày hôm nay.
Tuy nhiên, liệu điều này có thể được xem như một cách kinh doanh nỗi nhớ chỉ với các fan của họ, và sống trong những hoài niệm về quá khứ? Không thể phủ nhận việc các thần tượng thế hệ đầu tiên trở lại sân khấu biểu diễn, thậm chí sản xuất những bài hát mới, là một điều rất tuyệt vời. Nhưng ở một mức độ nào đó, nhiều người có thể kết luận rằng, họ chỉ đang phục vụ chủ yếu cho một đối tượng cụ thể - những người chỉ dành riêng cho âm nhạc và sự hiện diện của họ.
Đến lúc này, không thể không xem xét đến chuyện, những màn trở lại này cuối cùng cũng chỉ là để phục vụ cho những tưởng tượng hoài cổ của chúng ta mà thôi. Đó cũng là lý do giải thích cho việc, khi Fly to the Sky trở lại vào năm 2014, cũng như Sechs Kies trong lần comeback mới đây, cả hai nhóm nhạc này đều thực hiện “sản phẩm hoài niệm” – album gồm toàn những ca khúc cũ nhưng được phối lại mới mẻ hơn.
Các fan Kpop ngày nay muốn được nhìn thấy những thần tượng thế hệ đầu tiên trở lại sân khấu và biểu diễn, bởi vì trước đó họ chưa từng có dịp chứng kiến. Nhưng có một thực tế không thể chối cãi rằng, lứa thần tượng thế hệ đầu tiên rõ ràng không thể hòa nhập với các idolgroup Kpop hiện nay. Các thần tượng thế hệ mới đang trong quá trình gia tăng mức độ phổ biến và sự thừa nhận từ công chúng dành cho tài năng của họ. Đồng thời, những thần tượng trẻ cũng liên tục tìm kiếm những con đường mới, thử nghiệm những bước đột phá táo bạo hơn.
Ngược lại, những thần tượng thế hệ đầu tiên sẽ luôn gắn liền với những thành công trong quá khứ của họ - bởi họ đã được công chúng thừa nhận từ lâu. Họ được chào đón với những vòng tay rộng mở khi công bố sự trở lại của mình và người hâm mộ của họ cũng “bùng nổ” với thông tin này. Đó là một chuyến du hành về miền ký ức, bảo đảm được sự thỏa mãn cho các fan mà không cần phải quan tâm đến chất lượng âm nhạc hay độ phủ sóng rộng rãi. Chắc chắn một điều, các fan sẽ ủng hộ dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra. Những thần tượng thế hệ đầu tiên gần như tồn tại trong một không gian âm nhạc khác hẳn với các idolgroup thế hệ mới – những người vẫn đang cần mở đường để đi đến thành công. Sự trở lại của họ sẽ luôn là một món quà tuyệt vời và ấm áp dành cho người hâm mộ, nhưng để đạt được mức độ thành công như EXO, BTS hay Twice của hôm nay thì gần như là không thể. Nếu theo dõi một vài sự kiện, sân khấu âm nhạc chung với sự góp mặt của Sechs Kies, Fly to the Sky, hay thậm chí là Shinhwa, bạn sẽ cảm nhận được sự chơi vơi, lạc lõng của họ giữa các lứa đàn em.
Rõ ràng, trong mắt fan Kpop, những thần tượng thế hệ đầu tiên hoàn toàn khác hẳn so với các idol thế hệ mới. Họ không chỉ được xem như những huyền thoại của làng nhạc, mà còn là những nghệ sĩ đến từ một thời đại xa xôi nào đó, mà bây giờ chúng ta chỉ có thể biết đến nó như là một phần của lịch sử. Âm nhạc của họ được chào đón và đánh giá cao, nhưng họ không còn có thể đi đầu trong việc tạo nên xu hướng. Màn trình diễn gần đây của Sechs Kies tại “Melon Music Awards 2016”, đối với nhiều người, vẫn gần như là một sự lan truyền ký ức từ quá khứ.
Thời trang có thể giúp các màn trình diễn trở nên hợp thời và hào nhoáng hơn, nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng, tuổi trẻ là một cái gì đó không thể lấy lại được một khi ta đã đánh mất. Ở thời điểm hiện tại, những thần tượng thế hệ đầu tiên chỉ có thể cố gắng bắt kịp xu hướng, chứ không thể chủ động tạo nên những trào lưu mới được nữa. Dù muốn dù không, những màn trình diễn của họ vẫn sẽ ít nhiều mang đến hơi thở của quá khứ. Nhìn lại quá khứ sẽ luôn là một phần không thể thiếu trên các sân khấu của lứa thần tượng thế hệ đầu tiên. Thật vậy, các idolgroup thời kỳ đầu có thể cố gắng để không bị lỗi thời, nhưng rõ ràng bạn không thể xem họ như những đại diện của cái mới được nữa. Chúng ta yêu họ! Tất cả mọi người đều thích và tôn trọng những thần tượng thế hệ đầu tiên và đó là chính là thành công của riêng họ, chỉ có họ mới đạt được mà thôi.
Hơn nữa, thị trường của lứa thần tượng thế hệ mới hiện vẫn đầy bất ổn, và có lẽ, tái hợp không phải là một lựa chọn khả thi cho họ trong tương lai. Thực tế, thần tượng Kpop chỉ có thể được coi là một giai đoạn trong sự nghiệp của bất kỳ cá nhân nào đó, trước khi chuyển sang phát triển âm nhạc riêng, hoặc tìm một con đường khác trong ngành. Thần tượng chưa bao giờ được xem là một nghề nghiệp ổn định và thành viên các idolgroup không thể chỉ mãi giới hạn bản thân dưới cái mác thần tượng được.
Ngay cả đối với những nhóm nhạc thần tượng Kpop đang hoạt động tích cực hiện nay, các cá nhân như Zico của Block B luôn được đánh giá cao hơn cho các hoạt động solo của anh, với vai trò là một nhà sản xuất hay một rapper thực thụ. Việc các thành viên nhóm nhạc thần tượng quảng bá với tư cách nghệ sĩ solo giờ đây cũng không phải chuyện hiếm gặp, chẳng hạn như Taeyeon của SNSD hoặc rất nhiều trường hợp khác.
Sự trở lại của các thần tượng thế hệ đầu tiên chắc chắn là điều đáng được chào đón và là một cảnh tượng cảm động đối với bất kỳ fan Kpop nào. Tuy nhiên, không phải tự nhiên mà cái mốc 7 năm tồn tại trong nhiều năm qua. Thực tế vẫn là, sự trường tồn của các nhóm nhạc thần tượng Kpop gần như là điều không thể, ngoại trừ trong trái tim của người hâm mộ. Không có bất kỳ nhóm nhạc thần tượng nào có thể mãi mãi giữ vững vị trí hàng đầu trong ngành giải trí!
Những sự trở lại này là một chuyến đi trên con đường ký ức và giúp thoả mãn trí tưởng tượng của chúng ta khi hồi tưởng lại quá khứ. Có lẽ, nó nhắc nhở những người hâm mộ lâu năm về những năm tháng thanh xuân của họ. Nhưng rõ ràng, những trải nghiệm này hoàn toàn khác hẳn phản ứng mà lứa thần tượng thế hệ mới nhận được từ lượng fan ngày càng gia tăng của họ. Hai lứa thần tượng này để lại dấu ấn với công chúng theo những cách hoàn toàn khác nhau, và nó là một thực tế không thể chối cãi.
Chúng ta phải chấp nhận một sự thật rằng, tất cả mọi thứ rồi sẽ hết hạn ở một thời điểm nào đó, và chúng ta thực sự cần phải học cách buông bỏ. Người hâm mộ cần phải nhận ra rằng, sau tất cả, vấn đề không nằm ở lời nguyền 7 năm, bởi thành viên các nhóm nhạc thần tượng rồi cũng phải tìm kiếm những thành công khác nhau, bước về phía trước để chạm tay đến những giấc mơ vĩ đại hơn. Hãy để các nhóm nhạc mới tạo nên xu hướng và sống trọn vẹn với ánh hào quang của mình trong khi họ vẫn còn nắm trong tay tuổi trẻ và sức sống! Bởi biết đâu, 10 năm, 20 năm sau, họ sẽ phải bước trên con đường ký ức mà các idolgroup thế hệ đầu tiên đang đi hôm nay, rồi dần trở nên chơi vơi giữa một lứa thần tượng mới hơn!
Tin về nghệ sỹ Fly To The Sky
-
Trong số tất cả các thần tượng xuất thân từ SM Entertainment, ai là người có giọng hát được khán giả công nhận nhiều nhất?
-
Xếp hạng 45 boygroup từ gen 1 đến gen 4 theo thời gian giành cúp trên đài trung ương: Cả SM, JYP và Big Hit đều có đại diện nằm trong top cuối
-
Sau tất cả những cuộc chia tay, vì sao Shinhwa và Fly To The Sky vẫn luôn cảm ơn SM?
