Chào mừng bạn ghé thăm tinnhac.com từ google. Tinnhac.comtrang thông tin âm nhạc hàng đầu Việt Nam. Trải nghiệm tinnhac.com ngày hôm nay để không bỏ lỡ những tin tức âm nhạc chuyên sâu và hấp dẫn nhất!

Sơn Tùng có thể hát không rõ lời nhưng lại là 'bậc thầy' trong việc sử dụng từ láy

Điểm đặc biệt ở anh chàng này là vốn từ không quá phong phú nhưng các từ lại được sắp xếp hợp lý: vừa là từ láy nhưng đôi khi cũng đảm nhận luôn vai trò tính từ.

Kể từ khi debut đến nay, hát-không-rõ-lời đã trở thành đặc trưng của Sơn Tùng M-TP nhưng cũng là điểm độc đáo mà chỉ riêng anh chàng này mới có. Nói chính xác hơn thì gần như ở showbiz hiện nay, Tùng là ca sĩ hiếm hoi hát không nghe được từ gì mà vẫn khiến hàng triệu người chết mê chết mệt. Tuy nhiên, hát không rõ lời không có nghĩa là "sếp" đang cố lấp liếm phần ca từ nhạt nhẽo, vô nghĩa bởi ngoài việc tôn trọng tuyệt đối quy tắc gieo vần, cậu còn khiến các fan ngưỡng mộ ở lối sử dụng từ láy tài ba.

Nếu như ở bản hit đầu tiên trong sự nghiệp - "Cơn mưa ngang qua", phần lyric do "hoàng tử mưa" chắp bút vẫn còn ngô nghê và sơ sài thì sang đến "Em của ngày hôm qua", các từ láy đã bắt đầu xuất hiện, gồm: "phôi pha", "chơi vơi", "vu vơ", "vấn vương",... đa phần đều là láy bộ phận, đồng thời cũng đảm nhận luôn quy luật vần điệu trong thơ ca. 

"Em của ngày hôm qua"

Tiếp đến là "Buông đôi tay nhau ra", việc liệt kê các từ láy trong ca khúc này không khó: "ái ân", "lẻ loi", "thờ ơ", "hững hờ", "lạnh lùng", "ngập ngừng",... Tuy khá thông dụng nhưng Sơn Tùng M-TP lại có sự sắp xếp hợp lý loại từ này nhằm diễn tả sự trăn trở của một chàng trai đã buông tay cô gái nhưng vẫn lưu luyến không thôi. 

"Buông đôi tay nhau ra"

"Remember Me", Sơn Tùng sử dụng lại một số từ láy quen thuộc như: "phôi pha", "chơi vơi" nhưng lúc này, nó đã mang ý nghĩa hoàn toàn khác: đó là lời tự nhắc nhở bản thân của chính anh chàng - dù có cô đơn, có chông gai cũng không được đầu hàng số phận. 

Sang "Nơi này có anh" - một ca khúc về chủ đề tình yêu vui tươi, các từ láy lúc này lại lây lan virus "hạnh phúc": "ngọt ngào", "bâng khuâng", "mộng mơ",...

"Nơi này có anh"

Với 2 sáng tác gần nhất là "Chạy ngay đi" "Hãy trao cho anh", "sếp" vẫn phát huy triệt để khả năng sử dụng từ láy như một dạng tính từ của mình, trong đó, "vấn vương", "phôi phai" dường như đã và đang trở thành "từ ruột" của chàng trai gốc Thái Bình do gần như trong sản phẩm nào cũng xuất hiện ít nhất một lần. 

Đỉnh cao của việc "sếp" kết hợp các từ láy có lẽ phải kể đến "Lạc trôi" - ca khúc được nhận xét là mang hơi hướng phim kiếm hiệp Trung Quốc, tuy nhiên vẫn giữ được những nét khá thuần Việt. Từ láy ở đây xuất hiện với tần suất dày đặc, vẫn là láy một bộ phận nhưng mang nhiều ý nghĩa khác nhau: "phôi phai", "vấn vương", "mong manh", "tương tư", "lang thang", "hiu hắt",... Ngoài từ láy, các tính từ trong ca khúc này: "sầu bi", "hao gầy", "phai mờ", "mê say" cũng mang tính chọn lọc khi mức độ mà nó diễn tả không quá gay gắt nhưng lại đủ khiến người nghe phải ám ảnh. Đặc biệt, Sơn Tùng M-TP để từ "lạc" lặp đi lặp đi đến hơn chục lần nhưng khán giả lại không có cảm giác nhàm chán, khó chịu bởi đây là từ đắt giá nhất trong lyric, đảm nhận luôn cả việc truyền tải tinh thần của bài. 

"Người theo hương hoa mây mù giăng lối
Làn sương khói phôi phai đưa bước ai xa rồi
Đơn côi mình ta vấn vương
Hồi ức, trong men say chiều mưa buồn
Ngăn giọt lệ ngừng khiến khoé mi sầu bi
Đường xưa nơi cố nhân từ giã biệt li
(Cánh hoa rụng rơi)
Phận duyên mong manh rẽ lối trong mơ ngày tương phùng"

Nhìn chung, các từ láy được Sơn Tùng sử dụng không quá phong phú, tuy nhiên, nó không hề gượng ép mà tiệp vần một cách hoàn hảo với câu trước, câu sau. Nhờ đó, phần lyric do anh chàng tự tay chắp bút hoàn toàn có thể chuyển thể thành thơ bởi yếu tố vần điệu được đảm bảo một cách nghiêm ngặt. Hơn nữa, từ láy trong lyric của Tùng không đơn giản chỉ là cụm từ nhằm nhấn mạnh đặc điểm, tính chất của một sự vật, sự việc mà còn có tác dụng như một tính từ, tăng hiệu quả diễn đạt cũng như gợi mở sự liên tưởng phong phú của người đọc, người nghe.