Chào mừng bạn ghé thăm tinnhac.com từ google. Tinnhac.comtrang thông tin âm nhạc hàng đầu Việt Nam. Trải nghiệm tinnhac.com ngày hôm nay để không bỏ lỡ những tin tức âm nhạc chuyên sâu và hấp dẫn nhất!

Nghe nhạc theo kiểu 'mì ăn liền' không dành cho fan của 2 nam ca/nhạc sĩ: một là Sơn Tùng M-TP và hai là...

Nếu hy vọng kiếm tìm được một bản hit mà nghe từ lần đầu tiên đã thấy bắt tai, dễ nhớ, có lẽ 2 anh chàng dưới đây không phải lựa chọn của bạn.

Phan Mạnh Quỳnh

Vài ngày trước, Phan Mạnh Quỳnh tái xuất với "Cuộc gọi" - ca khúc mới do anh vừa sáng tác vừa thể hiện. Vẫn giữ đặc trưng là ca từ đời thường dung dị, cách hát nhấn nhá, luyến láy không lạc đâu được của nam nhạc sĩ gốc Nghệ, tuy nhiên "Cuộc gọi" không hề dễ nghe, thậm chí có khán giả còn nhận xét, giai điệu của nó "ngang phè phè". 

"Cuộc gọi" - Phan Mạnh Quỳnh

Thực tế, "Cuộc gọi" rất điển hình cho phong cách của Phan Mạnh Quỳnh. Nói theo cảm quan của một khán giả sau khi nghe đến lần 3,4 bản nhạc này thì "nhạc của anh không phải loại nhạc thị trường - mì ăn liền. Mà phải nghe đi, nghe lại mới cảm thấy thấm thía từ ngữ, ý nghĩa ẩn sâu trong đó. Mới thấy hay, mới thấy cuốn hút. Nhạc không dành cho người không kiên nhẫn". Đúng làm sao khi cái CHẤT lạ của Phan Mạnh Quỳnh không dễ "cảm" chỉ trong 1 vài lần nghe, có khi sáng tác của anh thành hit cũng phải mất cả tuần cho đến chục ngày để khán giả nghiền ngẫm được ẩn ý sâu xa trong đó. 

Nghe nhạc theo kiểu 'mì ăn liền' không dành cho fan của 2 nam ca/nhạc sĩ 1

Nhạc Phan Mạnh Quỳnh không dành cho người thiếu kiên nhẫn

Trước "Cuộc gọi"; "Nhạt", "Hồi ức", "Ngày chưa giông bão"... được Phan Mạnh Quỳnh sáng tác cũng rất kén người nghe. Nếu "Hồi ức" quá nặng nề về cảm xúc thì "Nhạt" lại y hệt tiêu đề - nhạt nếu so với nhạc cũ của Quỳnh. Với "Ngày chưa giông bão", thể loại dream pop, kết hợp với giọng hát ma mị, liêu trai của Bùi Lan Hương khiến giới mộ nhạc mê mẩn nhưng cũng khiến không ít người cảm thấy mệt mỏi, quá sức khi phải đặt mình vào thứ cảm xúc dằn vặt, đấu tranh gay gắt. 

Khi mà "Ngày chưa giông bão" quá ma mị, quá ám ảnh, tất yếu người nghe sẽ có cảm giác mệt mỏi, nặng trĩu

Đạo diễn Cao Trung Hiếu có lần nhận xét về nhạc Phan Mạnh Quỳnh đã cho biết: "Ở Quỳnh, chúng ta nhận ra bản sắc đậm nét khó lẫn cả về chất liệu âm nhạc và giọng hát. Hơn nữa, nhạc và ca từ của cậu ấy thực sự rất hay". Vị đạo diễn này cũng khẳng định thêm, "Hồi ức" là của hiếm của nền âm nhạc Việt Nam hiện tại và lẽ đương nhiên, khán giả yêu thích được nó cũng phải có sự nhạy cảm, sâu sắc hơn bình thường. 

Nghe nhạc theo kiểu 'mì ăn liền' không dành cho fan của 2 nam ca/nhạc sĩ 2

"Những khán giả nghe nhạc của tôi phải là người sâu lắng. Nếu người nào thích bài hát của tôi ngay từ đầu, có nghĩa là họ cũng được trang bị tâm hồn để cảm nhận. Những người ít hoài niệm sẽ không thấy đã lắm khi nghe nhạc của tôi" - Phan Mạnh Quỳnh

Ở một khía cạnh nào đó, Phan Mạnh Quỳnh rất giống Đen Vâu, sáng tác dựa trên chất liệu đời thường, có lúc gần gũi, mộc mạc, có lúc ca từ lại thâm sâu, giàu ý nghĩa ẩn dụ. Tuy nhiên, nếu như Đen dùng rap cùng thứ âm nhạc đơn giản, dễ nghe để đồng điệu cùng các đồng âm thì ngoại trừ một số ca khúc viết về tình yêu, nhạc Phan Mạnh Quỳnh có phần lắt léo, luyến láy hơn cả. Nhưng cũng nhờ đó mà khán giả cảm thấy ám ảnh khi nghe "Nước ngoài", "Có chàng trai viết lên trên cây", "Từ đó", "Bước qua thế giới", "Huyền thoại"... Có thể họ chưa đồng cảm được ý tứ sâu sắc mà Quỳnh muốn gửi gắm nhưng "siêu năng lực" của anh là lôi kéo khán giả làm fan trung thành, đã "cảm" được một lần là lưu luyến mãi. 

Sơn Tùng M-TP

Tháng 5/2018, sau hơn 1 năm kêu gào, đe dọa, cuối cùng Sơn Tùng M-TP cũng comeback với "Chạy ngay đi". Bản hit này thuộc thể loại hip-hop pha trộn với R&B, được đánh giá là khác biệt hoàn toàn so với phong cách mà Tùng theo đuổi trước đây, thế nên nó cũng bị nhận định là thụt lùi dẫu "sếp" vẫn dễ dàng thiết lập những kỷ lục mới. 

"Chạy ngay đi" - Sơn Tùng M-TP

"Chạy ngay đi" không hề dễ nghe, antifan được thể phán xét Sơn Tùng hết thời mà không quan tâm đến tính toán "đường xa" của chàng trai gốc Thái Bình khi muốn tiếp cận nhiều hơn với xu hướng nhạc thịnh hành trên thế giới. Bằng chứng là "hết thời" đấy nhưng nhạc Sơn Tùng vẫn được Snoop Dogg quẩy hết mình, vẫn được một tạp chí thời trang uy tín của Hàn Quốc dùng làm nhạc nền hay một số idol Kpop khác mong muốn được hợp tác cùng. Suy cho cùng, "Chạy ngay đi" không dễ ngấm như các hit trước đó, gồm "Nơi này có anh", "Âm thầm bên em", "Em của ngày hôm qua"... nhưng không phải đơn giản mà ca khúc duy nhất được Sơn Tùng tung ra vào năm 2018 lại gây náo loạn truyền thông lẫn khán giả trong khu vực bởi chỉ cần nghe thêm chục lần, non-fan sẽ như Sky, luôn văng vẳng giai điệu lẫn câu hát "đinh": "đốt sạch hết", "chạy ngay đi trước khi mọi điều dần tồi tệ hơn" trong đầu. 

Sang đến "Hãy trao cho anh", thể loại Latin, Tropical House có phần thuận tai số đông công chúng hơn nhưng vẫn có không ít người luyến tiếc phong cách của Sơn Tùng những năm trước. Vấn đề là Tùng không "ăn mày quá khứ", không chấp nhận bản thân "một màu", cậu có tham vọng riêng và đang từng bước thực hiện điều đó. 

MV "Hãy trao cho anh"

Ở diễn biến khác, lý do tại sao khán giả phải nghe đi nghe lại nhiều lần nhạc Sơn Tùng, đơn giản là vì cậu hát không rõ lời. Thông thường mỗi lần "hoàng tử mưa" comeback, Sky sẽ ngay lập tức cho phát hành một bản vietsub nguyên vẹn lyric để tránh antifan xuyên tạc. Bởi thế muốn cover được nhạc Tùng, người hâm mộ và cả các nghệ sĩ Việt không thể chơi theo lối "mì ăn liền", bắt buộc phải nghe đi nghe lại nhiều lần mới thấy cuốn hút, mới thấy hấp dẫn.

Nghe nhạc theo kiểu 'mì ăn liền' không dành cho fan của 2 nam ca/nhạc sĩ 3

Khi đã có tham vọng lớn hơn, nhạc Sơn Tùng không đơn thuần nghe 1 lần là đã thuộc ngay được.