Một nét văn hóa quen thuộc mà bất kỳ idolgroup nào cũng phải trải qua nhưng lại bị các chuyên gia Kpop khuyến cáo nên bỏ ngay và luôn
Trên thực tế, đã từng có một số nhóm nhạc xảy ra các vấn đề nội bộ cũng chính vì nét văn hóa này.
Sau khi một loạt nghi vấn bắt nạt nội bộ của các girlgroup Kpop bị phanh phui, cư dân mạng cũng bắt đầu đặt ra những câu hỏi về nguyên nhân gây ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong cùng một nhóm nhạc. Trong đó, cuộc sống ký túc xá được xem là nguyên nhân hàng đầu gây nên xung đột trong các nhóm nhạc thần tượng. Và trong một cuộc phỏng vấn với tờ Korea Times, hai chuyên gia bao gồm một nhà nghiên cứu Kpop và một nhà phê bình âm nhạc Hàn Quốc cũng lên tiếng khẳng định rằng việc để tất cả các thành viên sống chung trong ký túc xá có thể là một ý tưởng vô cùng tồi tệ đối với các thực tập sinh và những thần tượng mới ra mắt.
Ký túc xá là một nét văn hóa mà gần như tất cả các nhóm nhạc thần tượng Kpop đều phải trải qua. Từ khi còn là thực tập sinh, nhiều nhóm nhạc đã phải sống chung trong một căn hộ, cùng nhau trải qua những sinh hoạt hàng ngày. Việc để tất cả các thành viên trong nhóm sống trong cùng một ký túc xá giúp các công ty giải trí dễ dàng kiểm soát và quản lý lịch trình của họ. Đối với nhiều nhóm nhạc, những ngày tháng ở ký túc xá là một ký ức đẹp mà họ luôn trân trọng kể cả sau khi đã chuyển ra ở riêng. Tuy nhiên, không phải nhóm nhạc nào cũng trải qua những năm tháng đó một cách yên bình như vậy.
Ký túc xá cũ của SHINee, nơi tất cả các thành viên sử dụng cùng một phòng ngủ
Tục ngữ có câu: "Xa thương, gần thường" (Xa nhau một chút để thấy nhớ nhau nhiều hơn, hoặc sự vắng mặt khiến tình yêu trở nên ngọt ngào hơn). Hầu hết các chuyên gia tâm lý đều đồng ý rằng bất kỳ mối quan hệ lành mạnh nào cũng cần có không gian và thời gian riêng dành cho mỗi người. Tuy nhiên, đối với những idol Kpop sống trong ký túc xá, không gian riêng hay thời gian cá nhân là khái niệm hầu như không tồn tại. Họ ăn uống, làm việc và sinh hoạt cùng nhau, nhiều nhóm có thể còn sử dụng chung cả phòng ngủ. Ngoài ra, các thần tượng Kpop cũng thường bị hạn chế trong các mối quan hệ bên ngoài vì không có thời gian rảnh hoặc lệnh cấm hẹn hò từ công ty quản lý.
12 thành viên IZ*ONE được chia thành hai ký túc xá, mỗi ký túc xá có hai phòng ngủ
Các chuyên gia Kpop cho rằng đã đến lúc các công ty quản lý nên từ bỏ văn hóa ký túc xá, hoặc ít nhất là không bắt buộc. Giáo sư truyền thông kiêm nhà nghiên cứu xã hội Lee Jong Im và nhà phê bình âm nhạc của IZM Magazine Jung Min Jae đã nói lên suy nghĩ thật lòng của họ về vấn đề này.
Theo Lee Jong Im, người đã viết cuốn sách "Idol Trainees' Sweat and Tears" với nội dung xoay quanh hệ thống đào tạo Kpop, văn hóa ký túc xá không thực sự cần thiết đối với các ngôi sao của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Thậm chí, cô cũng tin rằng việc sống chung trong một ký túc xá có thể làm gia tăng mức độ căng thẳng của các thành viên và gây ra những xung đột nội bộ, chẳng hạn như vấn nạn bắt nạt đang trở nên vô cùng nhức nhối trong thời gian gần đây.
Cả 4 thành viên BLACKPINK đều có phòng ngủ riêng khi còn ở cùng ký túc xá
Tuy nhiên, nếu các công ty giải trí vẫn cảm thấy thật sự cần thiết phải để các thành viên trong nhóm sống cùng nhau, Lee Jong Im nói rằng những thần tượng đó "cần phải có không gian nơi mà sự riêng tư của họ được bảo vệ đầy đủ". Cô cũng cho rằng họ cần được tự do hơn để đến trường, gặp gỡ gia đình và phát triển các mối quan hệ với những người bạn bên ngoài nhóm nhạc của mình: "Các công ty không nên giám sát thần tượng của mình 24/24. Tôi tin rằng họ cũng cần có đầy đủ thời gian và không gian riêng để đi học và xây dựng các mối quan hệ với những người bạn khác".
Chia sẻ về những kiến thức mà cô thu được từ việc viết cuốn sách "Idol Trainees' Sweat and Tears", Lee Jong Im nói rằng các thực tập sinh luôn phải "tự kiềm chế bản thân rất nhiều" nếu họ muốn chạm tay đến giấc mơ được ra mắt. Cô cho biết xã hội Hàn Quốc có xu hướng đặt chủ nghĩa tập thể lên trên chủ nghĩa cá nhân, và số đông người Hàn Quốc vẫn tin rằng những người thực sự có khát vọng và đam mê cần phải "hy sinh mọi thứ" để đạt được thành công: "Trong hầu hết các trường hợp, ngay cả sau khi đã ra mắt, các trainee/thần tượng cũng được yêu cầu tự giải quyết các vấn đề cá nhân của mình (không nhờ đến sự giúp đỡ của người khác) hoặc chỉ đơn giản là chịu đựng những khoảng thời gian khó khăn".
Cuối cùng, Lee Jong Im tin rằng nhiều quy định của các công ty giải trí, chẳng hạn như cấm hẹn hò và tịch thu điện thoại di động, đã vi phạm nhân quyền của các thực tập sinh trẻ. Cô khẳng định cơ hội để xây dựng các mối quan hệ bên ngoài là một điều rất quan trọng đối với hạnh phúc của riêng họ: "Các thần tượng không nên bị tước đi cơ hội để có thể học cách tự đưa ra quyết định, và họ cũng cần có nhiều cơ hội hơn để giao lưu với người khác".
Nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae cũng chia sẻ cảm xúc tương tự trong một cuộc phỏng vấn với tờ Korea Times. Lấy ví dụ từ nhóm nhạc nam nổi tiếng của Anh là One Direction, Jung Min Jae giải thích rằng họ vẫn có tinh thần đồng đội vững chắc mặc dù không bị ép buộc phải sống chung trong cùng một ký túc xá.
Các thành viên ENHYPEN dùng chung một phòng ngủ trong một ký túc xá lớn
Tất nhiên, Jung Min Jae vẫn thừa nhận rằng một số nhóm nhạc thần tượng đã đạt được thành công lớn nhờ vào việc sống cùng nhau trong ký túc xá. Nhiều thần tượng thậm chí còn chọn cách tiếp tục sống chung với nhau lâu hơn thời hạn thường thấy, chẳng hạn như trường hợp của Red Velvet. Các cô gái nhà SM chỉ chuyển đến căn hộ riêng trong năm hoạt động thứ 7 của cả nhóm. Một số thần tượng khác như Chorong và Bomi (A Pink) hay Kyuhyun và Eunhyuk của Super Junior vẫn chọn sống cùng nhau kể cả khi các thành viên khác đã rời khỏi ký túc xá.
Jeongyeon và Momo ngủ chung một giường trong ký túc xá của TWICE
Thế nhưng không phải nhóm nhạc nào cũng thích hoặc có ký ức đẹp về cuộc sống ký túc xá. Jung Min Jae đã lấy ví dụ về trường hợp của nhóm nữ đời đầu Fin.K.L. Mặc dù là một trong những nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất Kpop vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 200, nhưng sau đó một số thành viên Fin.K.L đã thú nhận rằng sống cùng nhau thật sự là một việc rất khó khăn. Trong khi đó, dù vẫn duy trì được tình bạn thân thiết với các thành viên SHINee nhưng Key cũng từng đùa rằng ban đầu cuộc sống ký túc xá đối với anh chính là "thảm họa và địa ngục". Key cho biết SHINee chỉ bắt đầu thật sự trở nên thân thiết hơn hẳn sau khi kết thúc 4 năm sống chung trong ký túc xá.
Jung Min Jae khẳng định: "Khi nói đến Kpop, văn hóa ký túc xá đã góp phần vào sự thành công của một số nhóm nhạc, thế nhưng nó cũng làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ của một số thành viên". Tóm lại, nhà phê bình âm nhạc này tin rằng những bê bối bắt nạt nổ ra trong thời gian gần đây đã góp phần chứng minh các công ty giải trí Kpop đang tập trung vào những điều sai lầm. Jung Min Jae giải thích rằng đối với các công ty giải trí, việc quảng bá cho các nhóm nhạc sẽ dễ hơn là quảng bá cho các nghệ sĩ solo bởi idolgroup "có thể làm việc cùng nhau như một nhóm có tất cả mọi thứ mà người hâm mộ muốn nhìn thấy". Tuy nhiên, Jung Min Jae cũng nói thêm rằng các công ty nên tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng nhân cách để tạo ra các mối quan hệ lâu dài có thể hỗ trợ cho sự thành công của các nhóm nhạc.
Nhà phê bình âm nhạc của IZM Magazine tuyên bố: "Việc thành lập một nhóm nhạc có hiệu quả nhiều hơn đối với các công ty, nhưng nó đi kèm với các khoản chi phí lớn. Những vụ bê bối bắt nạt gần đây cho thấy rằng các công ty quản lý thần tượng nên tập trung nhiều hơn vào việc phát triển nhân cách của từng thành viên để họ có thể biết quan tâm và hợp tác với nhau hơn".
Tin về nghệ sỹ MOMOLAND
-
Xếp hạng cách biệt chiều cao giữa thành viên cao và thấp nhất trong 16 girlgroup gen 3: BLACKPINK khá đồng đều, TWICE thuộc top chênh lệch lớn nhất
-
Đau đớn thay cảnh 'đũa mốc mà chòi mâm son', 4 idol nữ từng bị khinh miệt vì dính scandal hẹn hò với 'đằng trai' nổi tiếng hơn vạn phần
-
Sự thật thú vị về tên gọi của các nhóm nhạc thần tượng Hàn Quốc: Kpop có nhiều nhóm nữ tên 4 chữ hơn bạn nghĩ!
