Koibito yo – bản tình ca buồn của nước Nhật
Ca khúc “Koibito Yo” (Người yêu dấu ơi!) ra mắt công chúng vào một ngày tháng 8/1980, đã đưa Mayumi Itsuwa – người sáng tác và trình bày nó, vốn đang loay hoay với những hướng đi trên con đường âm nhạc của mình, vụt trở thành cái tên được nhiều người ái mộ.
Ca khúc là một câu chuyện buồn của một người phụ nữ với cái lạnh mùa đông Nhật Bản bủa vây, khi ngồi ghế đá công viên trong một chiều mưa và đau khổ về chuyện tình đã qua. Nhớ về những kỷ niệm và ước rằng người tình xưa sẽ quay lại, nhưng đến cuối cùng cũng chỉ có mình cô – vẫn ngồi đơn côi ở băng ghế trống trong cơn mưa.
“Koibito yo – sayonara”
“Người yêu dấu ơi, tạm biệt anh” – lời hát nỉ non với chất giọng đặc ấm như mật ong rót vào lòng người nghe những cảm xúc vừa đau vì tình yêu tan vỡ, nhưng cũng vừa “nghiện” vì… đó là tình yêu. Như một “thú đau thương” khó hiểu của lòng người, dù mang lại những cảm xúc bi lụy và đớn đau, nhưng cũng khiến người ta đồng cảm và bị hút lấy vào những giai điệu và ca từ của nó.
Ca khúc này vốn không phải được Mayumi Itsuwa viết về một câu chuyện tình yêu đẫm nước mắt nào đó, mà nó là một món quà, dành để tưởng nhớ đến người bạn thân của bà - Takasuke Kida. Ông mất trong một tai nạn giao thông thảm khốc trước đó vài tháng, để lại sự bàng hoàng và tiếc nuối khôn nguôi cho Mayumi – vì ông là nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng đồng thời cũng là người bạn thân nhất của bà. Itsuwa luôn xem Kida là một người thân trong nhà và cái chết của ông làm cô đau đớn, “[Chuyện đó] như một cú đập mạnh vào tim tôi khiến tôi muốn ngã quỵ và không thể tin đó là sự thật”.
“Người yêu dấu ơi, tạm biệt anh. Dẫu thế nào thì bốn mùa vẫn nối tiếp nhau đến trong đời. Chuyện của đôi ta giờ như vì sao băng trong đêm, sáng ngời rồi vụt tắt, tựa một giấc mơ đã qua”. “Giấc mơ” trong chữ dùng của Itsuwa là “Mujou No Yume” có nghĩa là sự vô thường không lường trước được, như một giấc hạnh phúc thường ngắn ngủi qua mau.
Âm nhạc của Mayumi Itsuwa lúc nào cũng vương vấn nỗi buồn. Hầu như những sáng tác của cô đều nói về tình yêu, sự mất mát, những nỗi buồn len lén nối nhau một cách nhịp nhàng, không lên gân, tạo cảm giác dễ chịu và đọng lâu. Koibito Yo là một điển hình. Khi những đoạn cao trào đã qua đi, ca khúc nhẹ nhàng thoải xuống với những đoạn tầm trung trên nền piano – đầy cảm xúc mà không đơn điệu.
“Hãy cười với em, và chỉ một lần thôi… nói với em rằng tất cả những mất mát này, chỉ là một câu bông đùa…”
Ca khúc "Koibito Yo" của Itsuwa
Bản nhạc này, có tên gốc trong tiếng Nhật là Koibito yo - 恋人よ, tức chính là câu chữ để gọi người tình, người yêu của mình. Ca khúc được cô ca sĩ Mayumi Itsuwa, lúc bấy giờ còn chưa được mấy người biết tới, vừa đệm đàn piano vừa hát để trình làng vào năm 1980.Ca khúc vừa phát hành lập tức chiếm vị trí quán quân trên bảng xếp hạng uy tín nhất của Nhật, Oricon, suốt 3 tuần liên tiếp. Đây là single thứ 18 của Itsuwa và lúc mới đầu nó chỉ là một ca khúc B-side trong kế hoạch ra mắt. Nhưng trong lúc thu âm Itsuwa đã nghĩ rằng để Koibito yo làm A-side thì tốt hơn, vì vậy cuối cùng hãng đĩa quyết định thay đổi việc này. Tổng lượng đĩa tiêu thụ của “Koibito Yo” lên đến hàng Million Rank và sau đó không lâu, album cùng tên cũng đã được trao tặng giải Vàng tại Japan Record Awards.
Trong một phỏng vấn tại Pháp, Mayumi Itsuwa đã chia sẻ về ca khúc này: “Cảm xúc đến với tôi một cách ngẫu nhiên. Ca từ của nó xuất hiện trước, rồi sau đó mọi thứ khác cứ theo đó mà đến, và bài hát này ra đời”.
Tại Việt Nam, phải 8 năm sau công chúng mới biết nhiều đến bản này qua tiếng hát Carol Kim từ hải ngoại. Cấu trúc bài hát không khác nhau lắm, chỉ đoạn giữa được thay bằng tiếng guitar gỗ và tiếng hát của Carol hơi ngả sang “soul” trong khi Itsuwa lại trong vắt và tê tái hơn. Nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ lời bài này và cho đến nay ít nhất nó đã được thể hiện qua 15 giọng hát khác nhau ở thị trường hải ngoại.
Ngoài phiên bản của Phạm Duy, Koibito Yo cũng tồn tại ở Việt Nam với 2 phiên bản khác và phần lời cũng khác đi ít nhiều. Năm 2005, ca sĩ Mỹ Tâm cho ra đời phiên bản mới, lời mới với tựa Người yêu dấu ơi nằm trong album “Hoàng hôn thức giấc”.
Phiên bản "Người yêu dấu ơi" của Mỹ Tâm
Mặc dù bài nhạc của Mayumi Itsuwa đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, nhưng thực sự hầu hết các ca sĩ từ các nước đều muốn trình bày bản gốc tiếng Nhật. Thực sự đúng như vậy, phải là bản gốc tiếng Nhật thì câu chữ mới được đưa ra đúng chỗ với làn điệu và cảm xúc. Khi hiểu lời tiếng Nhật, thì ca sĩ mới thể hiện đúng những gì mà người sáng tác đã viết ra và hát lại.
Mayumi Itsuwa sinh năm 1951 và bắt đầu sự nghiệp của mình vào những năm 1972. Cô tự sáng tác và chơi nhạc của chính mình, thứ âm nhạc nhuốm màu folk pha pop. Itsuwa được xem là một “Carole King” của Nhật và cũng chính Carole King đã đệm piano trong một vài album của Itsuwa. Mayumi Itsuwa cùng với Yumi Matsutouya, Miyuki Nakajima và Mariya Takeuchi là biểu tượng cho thế hệ Kayo Kyoku của J-pop - những ca sĩ tài năng cả trong sáng tác trong 2 thập niên 1970-1980.
C.H.U.O.T.I.S.M
(nguồn: itsuwamayumi.com, thethaovanhoa.com…)

-
Nếu cần 'bùng cháy' sau những ngày chán chường, 12 hit Kpop theo phong cách nổi loạn này sẽ làm thỏa mãn tâm hồn bạn
-
Top 11 ca khúc Kpop siêu gần gũi với hiện thực cuộc sống mà bất cứ ai cũng có thể đồng cảm
-
Dù Kpop có chuyển mình qua bao nhiêu giai đoạn, 17 ca khúc huyền thoại này sẽ mãi mãi không bao giờ bị lãng quên