Chào mừng bạn ghé thăm tinnhac.com từ google. Tinnhac.comtrang thông tin âm nhạc hàng đầu Việt Nam. Trải nghiệm tinnhac.com ngày hôm nay để không bỏ lỡ những tin tức âm nhạc chuyên sâu và hấp dẫn nhất!

Idol Hàn và muôn kiểu lý do đằng sau câu chuyện rời nhóm

Khi đã là thành viên của một idolgroup, chẳng ai muốn mình trở thành kẻ phản bội các thành viên hay người hâm mộ, rời nhóm để tìm kiếm lợi ích của riêng mình. Nhưng có những lý do nhất định khiến nhiều thần tượng phải đi đến quyết định không ai mong muốn này!

Hẳn nhiên, tất cả chúng ta đều muốn các nhóm nhạc thần tượng yêu thích của mình sẽ ở bên nhau mãi mãi. Nhưng có một sự thật mà bất kỳ fan Kpop nào cũng phải chấp nhận, thực tế là phần lớn các nhóm nhạc thần tượng cuối cùng cũng sẽ đi đến bờ vực tan rã, hoặc “chia năm xẻ bảy”.

Dù nhiều nhóm vẫn còn hoạt động, nhưng chắc chắn vẫn không thể tránh khỏi tình trạng có thành viên rời nhóm. Không có một lý do cố định duy nhất cho việc các thần tượng rời khỏi nhóm, nhưng dưới đây là mười nguyên nhân phổ biến nhất!

1. Giác quan nghệ thuật phát triển

Nhiều thần tượng Hàn Quốc bắt đầu được đào tạo trong thời niên thiếu. Họ biết rất ít về ngành giải trí, và giống như hầu hết chúng ta, họ bị “lóa mắt” bởi ánh hào quang chói lọi của ngành công nghiệp này. Khi lớn lên, họ bắt đầu được tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ khác nhau, nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, và các nền văn hóa khác nhau, nên họ bắt đầu phát triển một khao khát được tìm thấy phong cách riêng của mình, cũng như mở rộng tầm nhìn của họ về nghệ thuật.

Với các nghệ sĩ solo, sự thay đổi là điều dễ dàng, vì họ chỉ cần phải lo lắng về định hướng sáng tạo của riêng mình. Nhưng đối với các nghệ sĩ thuộc một nhóm nhạc thần tượng, họ không thể đột nhiên xoay chuyển về mặt phong cách, đặc biệt là nếu nó không phù hợp với những gì mà công ty quản lý mong muốn.

Kim Ki Bum

Một ví dụ về một thần tượng đã rời nhóm vì nhu cầu phát triển con đường nghệ thuật cá nhân chính là Kim Kibum. Anh là một thành viên nổi bật của nhóm nhạc đình đám Super Junior, từng phát triển sự nghiệp như một ca sĩ/vũ công và người mẫu/diễn viên. Năm 2009, Kibum quyết định gián đoạn vô thời hạn các hoạt động cùng với nhóm và bắt đầu tập trung nhiều hơn vào sự nghiệp diễn xuất. Đến cuối năm 2015, Kibum chính thức rời Super Junior và SM để trở thành một diễn viên đúng nghĩa.

2. Thứ tự các vấn đề ưu tiên bị đảo lộn

Đa số các thần tượng hiện nay đều đang sống hết mình cho sự nghiệp và giấc mơ của mình, nhưng điều đó không có nghĩa là sau này, họ sẽ không có những thay đổi về những mặt ưu tiên khác nhau trong cuộc sống. Sau tất cả những khoảng thời gian rạng rỡ dưới ánh đèn sân khấu, một vài thần tượng có thể bắt đầu tìm kiếm một cuộc sống yên tĩnh hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với các nghệ sĩ đã đạt được đủ thành công và tiền tài. Khi tiền không còn là một vấn đề, họ cũng bắt đầu không còn đặt nặng sự nghiệp của mình.

Sunye

Đây là những gì đã xảy ra với Sunye – cựu thủ lĩnh nhóm nhạc kỳ cựu Wonder Girls. Vào năm 2013, cô khiến tất cả mọi người ngạc nhiên khi kết hôn ở tuổi 24 và sau đó rời nhóm để tập trung chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.

3. Công ty quản lý không muốn họ nữa

Đây rất có thể là lý do đáng buồn nhất, nhưng cuộc sống vốn dĩ là một chuỗi ngày không hề công bằng. Một nhóm nhạc có thể sở hữu một lượng fan rất lớn và kiếm được những khoản tiền kha khá, nhưng nếu công ty quản lý không muốn một thành viên cụ thể nào nữa, họ hoàn toàn có đủ sức mạnh để loại bỏ cá nhân đó ra khỏi nhóm nhạc (hoặc thậm chí là giải tán nhóm hoàn toàn, nếu công ty và các thành viên không đạt được thỏa thuận).

SS501

Một ví dụ điển hình của việc này là SS501. Khi hợp đồng đầu tiên kết thúc, SS501 muốn đi tiếp cùng nhau với đầy đủ 5 thành viên, nhưng DSP chỉ muốn giữ lại 3-4 người. Mâu thuẫn phát sinh, 5 thành viên quyết định rời công ty và theo đuổi những con đường riêng. Gần đây nhất, bộ ba SS301 đã tái hợp dưới trướng CI Entertainment.

4. Tiền bạc

Trong tất cả những lý do ở danh sách này, đây có thể xem là một trong những lý do mà nhiều người sẽ nghĩ đến đầu tiên khi bàn đến những nguyên nhân khiến thần tượng rời nhóm. Tuy nhiên, nó không phải là một vấn đề tiêu cực, bởi thực sự có những trường hợp các nghệ sĩ không nhận được những gì xứng đáng với họ. Nhưng cũng có những trường hợp, các nghệ sĩ chỉ đơn giản là muốn có nhiều hơn những gì họ đã sở hữu.

JYJ

Ví dụ đáng chú ý nhất của lý do này là DBSK, đặc biệt là khi 3 thành viên Jaejoong, YoochunJunsu đệ đơn kiện SM để được giải thoát khỏi bản “hợp đồng nô lệ” của công ty này. Bộ ba này sau đó đã thành lập nhóm riêng mang tên JYJ, nơi họ cuối cùng cũng có thể sáng tác và thể hiện những ca khúc của riêng mình, cũng như được hưởng lợi trực tiếp từ sự nổi tiếng của chính họ.

5. Chuẩn bị cho tương lai của mình

Hơn ai hết, các thần tượng là những người nhận thức được rằng mình đang phải chạy đua với thời gian. Ngành công nghiệp thần tượng bản chất của nó đã là nơi tập hợp sự trẻ trung. Nhưng rồi theo thời gian, idol sẽ đạt đến độ tuổi 30 và họ sẽ bị coi là "già". Một số người vẫn giữ được một lượng fan đông đảo khi bước vào tuổi 30 của họ, nhưng rõ ràng không phải ai cũng thế.

Sechs Kies

Sechs Kies giải tán vào năm 2000 một phần cũng vì lý do này. Họ biết rằng mình không thể mãi mãi đứng trên đỉnh vinh quang, vì vậy họ quyết định giải tán khi vẫn còn đang nổi tiếng, thay vì cố gắng duy trì nhóm trong thời điểm mâu thuẫn giữa các thành viên và công ty quản lý và các thành viên đang dâng cao. Thật may mắn, sau 16 năm vắng bóng, Sechs Kies đã tái hợp và tiếp tục làm “điên đảo” làng nhạc Hàn Quốc.

G-Dragon của Big Bang có vẻ như cũng đã lưu ý về lý do này, khi anh tâm sự rằng sẽ đến lúc tất cả các thành viên phải nhập ngũ và rồi già đi theo năm tháng.

6. Quyền kiểm soát nghệ thuật và kinh doanh

Các nhóm nhạc thần tượng luôn bị đối xử như là những món hàng và những sản phẩm để đầu tư, và họ được chuẩn bị chu đáo, đặc biệt – được đào tạo, cho ra mắt và quảng bá bởi chính công ty quản lý của mình. Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu tầm nhìn và định hướng của công ty chủ quản luôn phù hợp với các nghệ sĩ. Nhưng trong trường hợp nó không phù hợp, các nghệ sĩ có thể sẽ cảm thấy sự tự do sáng tạo của mình đang bị gò bó và hạn chế. Sau đó, họ sẽ có xu hướng rời đi và theo đuổi sự nghiệp riêng, nơi họ được toàn quyền kiểm soát những gì họ muốn làm.

Jay Park

Đây cũng chính là những gì đã xảy ra khi Jay Park quyết định không trở lại với 2PM. Thay vào đó, anh bắt đầu thành lập công ty của riêng mình, cho phép anh tự kiểm soát tài chính, các dự án, hình ảnh, và mọi vấn đề khác của bản thân. Đó là chưa kể, hiện nay anh cũng bắt tay vào việc đào tạo các nghệ sĩ mới, thay vì chỉ tự mình tỏa sáng.

7. Không thể chống đỡ với lịch trình và cuộc sống của một idol

Bất cứ ai nói rằng các thần tượng luôn có một cuộc sống dễ dàng, thì rõ ràng họ không hề hiểu rõ những gì mình đang nói. Thần tượng thực sự là một công việc bận rộn và mệt mỏi - cả về thể chất lẫn tinh thần. Những lịch trình của họ, phải thừa nhận là không dành cho tất cả mọi người. Có những nghệ sĩ sở hữu tài năng tuyệt vời và vẻ ngoài hoản hảo, nhưng không thể trụ vững với lịch trình khắc nghiệt nên họ phải chọn cách rời đi.

Lee Joon

Cựu thành viên MBLAQLee Joon, là một ví dụ điển hình cho việc một nghệ sĩ đã “gục ngã” dưới áp lực trong cuộc sống của một thần tượng. Anh đã công khai thừa nhận rằng, lịch trình bận rộn khiến anh mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Và tình trạng ngày một tồi tệ hơn bởi anh không thể ngủ đủ giấc, cũng như bị ép buộc phải làm những điều anh không muốn khi trở thành khách mời trong các show truyền hình. Kết quả, cuối năm 2014, sau khi kết thúc hợp đồng, Lee Joon đã quyết định rời khỏi MBLAQ và theo đuổi sự nghiệp diễn xuất.

8. Những vấn đề cá nhân

Thực tế thì, thần tượng vẫn là con người, và họ cũng có cuộc sống riêng của mình. Họ có những người thân và gia đình để bận tâm. Và khi nói đến các vấn đề gia đình, việc bạn nổi tiếng thế nào hoặc bạn kiếm được bao nhiêu không quan trọng, cái chính là những người thân của bạn phải được đặt lên hàng đầu.

Andy Shinhwa

Shinhwa nổi tiếng là nhóm nhạc thần tượng lâu đời nhất Hàn Quốc, với gần 19 năm hoạt động mà chưa một lần thay đổi thành viên. Tuy nhiên, ít người nhớ rằng em út Andy cũng từng phải tạm ngưng hoạt động một thời gian vì phải chăm sóc người mẹ đang bị bệnh của mình.

9. Scandal

Thần tượng là những hình mẫu lý tưởng, và vì vậy, họ phải duy trì một hình ảnh đẹp trong mắt người hâm mộ và công chúng. Đó là một trong những lý do giúp thần tượng sở hữu giá trị thương mại cao hơn nghệ sĩ của các thể loại khác, bởi các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy an tâm khi biết rằng nghệ sĩ mà con cái của họ yêu thích là những người trong sạch. Vì vậy, khi một thần tượng vướng vào một vụ bê bối, hình ảnh cũng như giá trị thương mại của nhóm cũng bị ảnh hưởng. Ngành giải trí Hàn Quốc không giống như một số nước khác, khi mà dù cho nghệ sĩ có công khai tiêu cực thì họ vẫn có thể “ăn nên làm ra”. Ở Hàn Quốc, vướng vào một scandal có nghĩa là bạn đã tự “đào hố chốn mình”.

Dahee GLAM

Một ví dụ điển hình cho lý do này, đó là nhóm  nhạc nữ GLAM đã bị giải tán sau khi thành viên Da Hee vướng cố gắng vào vụ bê bối tống tiền nam diễn viên Lee Byung Hun, sau khi bị tiết lộ một bản ghi âm về một cuộc trò chuyện không đứng đắn.

Daniel của DMNT cũng từng phải rời nhóm sau khi bị phát hiện bán cần sa.

10. Một thành viên trở nên quá vĩ đại so với nhóm

Thông thường, trong mọi nhóm nhạc, các thành viên luôn sở hữu những mức độ nổi tiếng khác nhau. Đôi khi, người hâm mộ sẽ chú ý hơn đến một thành viên duy nhất. Trong những trường hợp như thế, nó có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan (nghệ sĩ đó, các thành viên trong nhóm, và thậm chí là cả công ty quản lý quản lý) nếu thành viên nổi tiếng nhất hoạt động solo. Bằng cách này, nghệ sĩ đó có thể sở hữu lượng fan riêng của mình mà không làm lu mờ phần còn lại của nhóm.

Seo Taiji & Boys

Ví dụ điển hình của việc này là Seo Taiji của Seo Taiji & Boys. Huyền thoại này rời nhóm vì ông đã trở nên quá nổi tiếng, đủ để duy trì một lượng fan riêng của mình. Nó cũng là một điều may mắn với Seo Taiji bởi ông có thể trở về với cội nguồn rock của mình.

Munnie lược dịch

Xem thêm sự kiện: Sao Hàn rời nhóm