Khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, các hãng đĩa, nghệ sĩ và nhà kinh doanh giải trí rơi vào khủng hoảng. Trong thời khắc tăm tối đó, họ buộc phải lựa chọn: Lụi tàn hay thích nghi và trỗi dậy mạnh mẽ?


Trước đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp giải trí tiếp tục thực hiện những cú chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt hơn, đây là thời hoàng kim của các concert, tour diễn thế giới, lễ hội âm nhạc, khi ngành kinh doanh này bắt đầu trở thành nguồn thu khổng lồ của nghệ sĩ. Theo báo cáo của Billboard Boxscore, vào năm 2019, trong 30 tour diễn đình đám được thực hiện vào tháng ba và tháng tư đã thu về tổng cộng 697,5 triệu đô la và bán được hơn 6,5 triệu vé trong thời gian 61 ngày. Vì thế, các nhà kinh doanh âm nhạc dự đoán thu nhập năm 2020 có thể tăng thêm 5% đến 10%, đồng nghĩa thu được khoảng 750 triệu đô.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 như cơn bão lớn ập tới không báo trước, khiến cả một đế chế âm nhạc đang phát triển mạnh mẽ chợt lung lay và chìm vào khủng hoảng trầm trọng


Đầu tiên là việc hoãn lịch phát hành album của các nghệ sĩ. Rất nhiều ngôi sao âm nhạc hy vọng sẽ tung ra những bản hit đình đám vào mùa xuân như Lady Gaga, Alicia Keys, Sam Smith…Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi kế hoạch của họ. Xét ở góc nhìn khán giả, việc ra mắt album vào thời điểm Covid-19 hoành hành tưởng chừng đơn giản, nhất là trong thời kỳ phát triển của âm nhạc kỹ thuật số. Chỉ cần đăng bản thu lên các ứng dụng trực tuyến, công chúng sẽ hưởng ứng và có được bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn. Nhưng vấn đề không đơn giản như vậy. Với nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là người sống bằng âm nhạc, việc phát hành các ca khúc chỉ là một phần nhỏ trong chuỗi vận hành bao gồm quảng cáo, thực hiện tour diễn, kinh doanh. Việc thay đổi thời gian ra mắt sản phẩm sẽ khiến các nghệ sĩ chịu tổn thất nặng nề khi phải tính toán lại toàn bộ kế hoạch vạch ra ban đầu cho tour quảng bá, cách tiếp cận khán giả, phương thức kinh doanh,…
Mặt khác, doanh thu đĩa vật lý cũng đã giảm mạnh trong thời kỳ dịch bệnh. Alpha Data đưa ra thống kê lượng CD và Vinyl đã giảm 6% trong thời gian từ ngày 6 đến ngày 12 tháng 3, và đang tiếp tục xuống dốc do mọi người tập trung ở nhà và không ra ngoài. Trong những năm qua, thị trường đĩa CD, Vinyl vốn đã rơi vào tình trạng ảm đạm khi 60% doanh thu hiện tại đều đến từ âm nhạc trực tuyến. Covid-19 có thể là đòn đánh “chí mạng” vào lĩnh vực kinh doanh này.
Tuy nhiên, cơn ác mộng mà Covid-19 tạo ra, đó là tất cả các lễ hội, concert, tour diễn âm nhạc phải dừng lại.


Trong tháng 3, hàng loạt tour diễn của nhiều nghệ sĩ được mong chờ đã bị hủy như BTS, Billie Eilish, Camila Cabello, Justin Bieber, Celine Dion, Elton John,… Lễ hội âm nhạc lớn nhất nước Mỹ Coachella, lễ trao giải iHeart Radio Music Award, GLAAD Media Awards, Country Music Awards... - những sự kiện lớn diễn ra thường niên trong thời gian này – cũng chịu số phận tương tự.
Điều này tạo ra cơn khủng hoảng cho những nghệ sĩ. Trong thời đại âm nhạc trực tuyến lên ngôi, việc bán được nhiều album không khiến các ngôi sao có được doanh thu lớn. Bên cạnh đó, thực hiện những buổi concert âm nhạc giúp cho các ngôi sao và người hâm mộ gần gũi nhau hơn. Và giờ đây, cơ hội đó đã bị tước đi bởi dịch bệnh.
Việc hủy bỏ hoặc hoãn lại các tour diễn cũng khiến các doanh nghiệp, hãng đĩa rơi vào khủng hoảng. Tại thị trường Mỹ, nếu như các lễ hội âm nhạc xuân hè dự kiến thu được 750 triệu đô vào năm 2020, thì giờ đây, con số doanh thu là 0. Tại Anh, theo dữ liệu khảo sát mới nhất do MMF và FAC tổng hợp, hơn 50 triệu bảng (61 triệu đô la) đã mất do hợp đồng biểu diễn bị hủy bỏ vì Covid-19. Theo thống kê mới của UK Music, 72% những người làm việc trong ngành nhạc đang phải hoạt động cầm chừng.
Chỉ trong vòng vài tháng, tất cả mọi số liệu doanh thu, những dự đoán tươi sáng về ngành công nghiệp âm nhạc Âu Mỹ,… đều bị đảo lộn, thay đổi vì Covid-19. Đại dịch khiến các cửa hàng thu âm, nghệ sĩ độc lập cho đến những “ông lớn” giải trí chao đảo. Và bây giờ, tất cả những tổ chức âm nhạc đều đồng lòng bắt tay nhau để chống lại cơn bão suy thoái do Covid-19 gây ra.


Mới đây, một chiến dịch mang tên #loverecordstores đã được tung ra nhằm kêu gọi các công ty âm nhạc và nhạc sĩ nổi tiếng hỗ trợ những cửa hàng thu âm. Cụ thể, người tham gia sẽ quay một video ngắn nói về các cửa hàng này. Ví dụ như: Trong mắt các nghệ sĩ nổi tiếng, cửa hàng thu âm độc lập có vai trò gì, họ yêu thích cửa hàng nào nhất,… Thông qua đó, các ngôi sao nổi tiếng sẽ khuyến khích người hâm mộ của mình tiếp tục mua sắm trực tuyến tại các cửa hàng đó. Jason Rackham, giám đốc điều hành mạng lưới âm nhạc độc lập [PIAS], người dẫn đầu chiến dịch #loverecordstores, chia sẻ: “Các cửa hàng thu âm độc lập đã giúp đỡ nghệ sĩ tìm được danh tiếng trong suốt nhiều thập kỷ, đồng thời góp phần giới thiệu cho các hãng đĩa những nhân tài mới […] Đây là thời điểm chúng ta cần đảm bảo cho sự phát triển của họ.”
Trong cuộc chiến với Covid-19, những nghệ sĩ và hãng đĩa độc lập cũng là một trong số những người chịu thiệt hại nặng nhất. Không có nguồn thu dồi dào từ các lĩnh vực khác như ngôi sao nổi tiếng, những nghệ sĩ độc lập kiếm thu nhập từ các concert âm nhạc. Khi không thể lưu diễn trong thời gian dài do dịch bệnh, họ sẽ rơi vào tình trạng túng quẫn. Với các hãng độc lập, việc đình trệ các buổi trình diễn khiến họ không có dòng tiền để duy trì hoạt động.


Trước tình hình đó, hàng loạt các “ông lớn” trong ngành công nghiệp âm nhạc đã tung ra những gói viện trợ để giúp đỡ các nghệ sĩ, hãng đĩa độc lập. Apple Music đã tạo ra một quỹ ứng trước với 50 triệu đô la để giúp các hãng đĩa, nhà phân phối độc lập vượt qua suy thoái do Covid-19. Spotify đã ra mắt trang web gây quỹ để chuyển cho các tổ chức hỗ trợ những nghệ sĩ đang cần thu nhập. Bên cạnh những cái tên trên, chúng ta còn có SoundCloud, Tiktok,… cũng đưa ra những chính sách giúp các nhà sáng tạo âm nhạc kiếm thêm thu nhập qua ứng dụng của mình.
Với các doanh nghiệp âm nhạc lớn, Covid-19 cũng tạo ra thách thức nghiêm trọng khi mọi hoạt động kinh doanh đều bị ngừng trệ. Việc ứng phó thực tế nhất là bảo vệ nhân viên của mình tránh khỏi tình trạng thất nghiệp. Cụ thể, Universal Music Group đã thành lập Quỹ UMG All Together Now nhằm giúp đỡ nhân viên của mình vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn, đồng thời cam kết bất kỳ nhân viên nào không thể làm việc từ xa vẫn sẽ được hưởng lương. Bên cạnh đó, UMG cũng đang quyên góp trực tiếp cho Quỹ cứu trợ COVID-19 của MusiCares nhằm giúp cho các nghệ sĩ khác vượt qua thời điểm đen tối trên.


Tuy nhiên, ngành công nghiệp âm nhạc sẽ không thể vượt qua khó khăn nếu như thiếu sự trợ giúp của chính phủ. Tại Mỹ, trước khi gói cứu trợ hai nghìn tỷ đô la được phê duyệt và tung ra, Hiệp hội các Nhà soạn nhạc, Tác giả và Nhà sản xuất Hoa Kỳ cùng nhiều tổ chức khác đã lên tiếng đề nghị chính phủ trợ cấp cho các nghệ sĩ và hãng đĩa đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cuối tháng ba, một trang web mang tên MusicCovidRelief.com được thành lập bởi Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ (RIAA) cùng loạt tổ chức khác nhằm giúp đỡ giúp các thành viên của cộng đồng âm nhạc nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và giúp các doanh nghiệp tiếp cận các khoản vay nhỏ. Tại Anh, tổ chức quản lý ngành âm nhạc British Phonographic Industry cũng đang thúc ép chính phủ giúp ngành âm nhạc vượt qua khó khăn như tạm thời xóa bỏ đánh thuế VAT trên đĩa CD và đĩa Vinyl, bảo vệ tốt hơn luật sở hữu trí tuệ tại Anh,… những điều trên phần nào giúp cho ngành âm nhạc Anh Quốc quảng bá được sản phẩm của mình tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
Dẫu vậy, sự phục hồi của ngành công nghiệp âm nhạc Âu Mỹ nói riêng và thế giới nói chung phụ thuộc vào yếu tố quan trọng nhất: Đẩy lùi Covid-19. Bên cạnh việc cứu trợ các nhân viên, nghệ sĩ, cửa hàng thu âm và hãng đĩa độc lập, các ngôi sao và doanh nghiệp kinh doanh cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh.


Khi đại dịch Covid-19 tấn công toàn cầu, ngành công nghiệp âm nhạc cũng đã góp sức mình vào cuộc chiến chung của nhân loại bằng nhiều cách.
Với tầm ảnh hưởng của mình, các ngôi sao thế giới đã nhanh chóng phát thông báo khuyên nhủ người hâm mộ của mình thực hiện cách ly xã hội. Trong thời điểm nước Mỹ bước vào giai đoạn tăm tối nhất của cơn bão dịch bệnh Covid-19, hàng loạt các nghệ sĩ đã chia sẻ cách phòng tránh dịch cho công chúng như Taylor Swift, Ariana Grande, Lady Gaga, Justin Bieber, Selena Gomez, Miley Cyrus,… Mặt khác, trong bối cảnh các tour diễn bị hoãn vô thời hạn, các ngôi sao cũng tìm cách kết nối với khán giả qua hệ thống livestream. Theo thống kê của Billboard, tính từ ngày 13/3 đến ngày 31/3, hầu hết ngày nào (18/19 ngày) cũng có những concert âm nhạc được tổ chức online nhằm giúp công chúng thư giãn trong thời gian cách ly xã hội. Bên cạnh đó, các chương trình hòa nhạc không khán giả cũng thu hút được nhiều tiếng vang. Ngày 12/4, buổi hòa nhạc của danh ca khiếm thị người Ý Andrea Bocelli tại nhà thờ Doumo ở Milan, được chiếu trực tuyến trên YouTube thu hút được 22 triệu lượt xem cùng với 12 nghìn bình luận cảm ơn chỉ trong vòng 11 giờ. Ngày 18/4/2020, Lady Gaga cũng kết hợp với tổ chức Y tế Thế giới WHO tổ chức buổi livestream "One World: Together At Home" với sự có mặt của hơn 100 nghệ sĩ đình đám như Billie Eilish, Elton John, Taylor Swift, Lizzo,… tham gia.


Rất nhiều ngôi sao âm nhạc cũng đã quyên góp cho quỹ chống dịch Covid-19 như: Lana Del Rey, Selena Gomez, Justin Bieber, Ariana Grande, Rihanna, Lady Gaga, Halsey, Jay Z… Mặt khác, Hollywood cũng tổ chức một phong trào khác có tên #AllInChallenge. Qua đó, các ngôi sao sẽ đem ra đấu giá một món đồ quý giá của bản thân và sẽ nhượng lại cho khán giả trả giá cao nhất. Toàn bộ số tiền thu được từ những cuộc đấu giá này sẽ được quyên góp để cung cấp thức ăn cho những người chịu thiệt hại vì Covid-19.
Các hãng đĩa và doanh nghiệp âm nhạc cũng nhanh chóng tung những khoản tiền giúp đỡ thế giới vượt qua đại dịch Covid – 19. Apple đã quyên góp hàng triệu khẩu trang cho các nhân viên y tế tại Mỹ và châu Âu trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Các hãng đĩa đình đám như UMG hay Sony Music Group cũng chi hàng triệu đô la nhằm giúp đỡ những nạn nhân đang chống chọi với dịch bệnh.
Cuộc “so găng” của ngành công nghiệp âm nhạc nói riêng và thế giới nói chung với Covid-19 vẫn là cuộc chiến dài. Đã có nhiều đau thương bao trùm toàn cầu khi có hàng triệu người mắc bệnh, trăm nghìn bệnh nhân tử vong, nhiều doanh nghiệp phá sản. Rất nhiều ngôi sao âm nhạc cũng đã ra đi bởi Covid-19 như Joe Diffie, John Prine, Alan Merrill,… Tuy nhiên, trong thời khắc tăm tối đó, sự đồng lòng của ngành công nghiệp âm nhạc và toàn thế giới đã minh chứng: Chúng ta sẽ chiến thắng Covid-19, và không ai bị bỏ lại phía sau.