Bóng tối ẩn sau những lễ trao giải hào nhoáng

Đầu tiên, lễ trao giải kích thích doanh thu của ngành công nghiệp thu âm, đưa những album đã nguội lạnh từ lâu quay trở lại bậc vinh quang trên các bảng xếp hạng. Với Grammy, ta có thể kể đến là album “21” của Adele. Công chúng và các hãng đĩa đã rất sốc khi vừa chiến thắng “Album của năm”,“21” tẩu tán thêm 730 nghìn bản hậu Grammy 2012. Đây là con số khổng lồ, kích cầu ngành đĩa trong giai đoạn ảm đạm.

Trong những năm qua, doanh số album đều có xu hướng tăng mạnh sau mỗi mùa giải. Tiêu biểu, sau giải thưởng Billboard Music Awards 2016, chỉ trong vòng một tuần kể từ sau khi được lựa chọn biểu diễn tại sự kiện, tổng doanh thu của các ca khúc này đã tăng lên đến 35%. Có thể nói, lễ trao giải chính là một trong những phương pháp “kích cầu” nhằm tăng lượng bán âm nhạc.

Lễ trao giải cũng tác động không nhỏ đến lĩnh vực thời trang và quảng cáo. Hàng loạt các nhà thiết kế đều lựa chọn những bộ cánh đẹp nhất hoặc gây sốc nhất để các nghệ sĩ mặc khi diện trên thảm đỏ âm nhạc: Bộ cánh gây choáng của Rose McGowan tại MTV Video Music Awards 1998, chiếc váy của Jennifer Lopez tại Grammy 2000, chiếc váy thịt bò của Lady Gaga tại MTV Video Music Awards năm 2010. Nhà thiết kế Carmen Marc Valvo – người từng cộng tác với các thương hiệu quốc tế như Victoria's Secret chia sẻ: “Việc một người nổi tiếng diện trang phục của một thương hiệu lên thảm đỏ lãi gấp nhiều lần so với việc đăng lên tạp chí Vogue hay Harper's Bazaar. Chiếc váy đó sẽ lan rộng khắp các mặt báo.”

Mặt trận quảng cáo tại các lễ âm nhạc cũng rất sôi động. Tại Grammy, rất nhiều ông lớn đã tham gia tài trợ cho lễ trao giải âm nhạc danh tiếng này như Apple và Google.

Sự tác động của các lễ trao giải âm nhạc bao phủ cả lĩnh vực chính trị và xã hội, nhất là trong nửa cuối thập niên 2010. Những nghệ sĩ đã thể hiện quan điểm về tình hình rối ren của thế giới: Katy Perry biểu diễn ca khúc được xem là phản đối tổng thống Donal Trump là “Chained to the Rhythm” tại Grammy năm 2017, Camila Cabello phản đối bức tường Mexico – Mỹ qua phần trình diễn ca khúc “Havana” tại Grammy 2019, nhóm Imagine Dragons phát biểu nâng cao nhận thức về vấn đề cộng đồng LGBT đang phải đối mặt tại Billboard Music Awards năm 2019,…

Về sau này, các giải thưởng âm nhạc đều có sự cân nhắc giữ việc bình chọn các ca khúc nói về xã hội. Những album mang màu sắc chính trị từng lọt vào đề cử lớn của Grammy như “Lemonade” của Beyonce, “DAMN” của Kendrick Lamar, “Norman Fucking Rockwell” của Lana Del Rey,… MTV Video Music Awards tuy là giải thưởng cho giới trẻ nhưng cũng không nằm ngoài dòng chảy đó khi vào năm 2017, các sản phẩm âm nhạc đậm chất chính trị của Kendrick Lamar đã thắng đậm. Điều đó phần nào đã khẳng định mối tương quan giữa các sản phẩm âm nhạc và lễ trao giải với những sự kiện chính trị.

Không thể phủ nhận tác động và vai trò của các giải thưởng âm nhạc thế giới tác động nhiều mặt đến công chúng và các lĩnh vực. Tuy nhiên, đằng sau sự hào quang và “liêm chính” đó, vẫn tồn tại những góc khuất khiến công chúng nhận ra không có gì thật sự công bằng trong ngành công nghiệp âm nhạc.

Không một lễ trao giải âm nhạc nào thật sự công bằng 100% - đó là sự thật mà công chúng vẫn phải chấp nhận.

Ngay cả những lễ trao giải dựa vào doanh thu như Billboard Music Awards cũng không thể thoát khỏi cái mác thiếu công bằng khi nhiều người cho rằng chủ nghĩa thương mại và phân biệt chủng tộc đang lan rộng tại giải thưởng này trong nhiều năm qua. Việc dựa theo số điểm, doanh thu, những tính toán cứng nhắc của Billboard đã khiến nhiều nghệ sĩ cảm giác như mình đang bị “chấm điểm”. Năm 2016, Justin Bieber được đề cử ở 11 hạng mục và rinh về hai giải: Nam nghệ sĩ xuất sắc và Nghệ sĩ đứng đầu mạng xã hội. Tuy nhiên, nam nghệ sĩ lại không mấy mặn mà với điều trên: “Tôi cố gắng nghĩ nó là một buổi lễ kỷ niệm nhưng không ngăn được cảm giác dường như mọi người đang xếp hạng và chấm điểm màn trình diễn của tôi”.

Tại Billboard Music Awards năm 2019, chủ nghĩa doanh thu được thể hiện rõ nét nhất. Billboard đã gây chú ý khi cho ra mắt bảng đề cử có sự hiện diện của các đại diện Hàn Quốc là BTS, GOT7 và EXO. Tuy nhiên, trong phần công bố ứng cử viên, mọi hạng mục đều có hình ảnh nghệ sĩ kèm theo, trừ GOT7 và EXO. Điều này ngầm khẳng định: Khi bạn không tạo hiệu ứng trên bảng xếp hạng Billboard, bạn sẽ chẳng được đánh giá cao.

MTV Video Music Awards – lễ trao giải được mệnh danh là dành cho thanh thiếu niên cũng không thoát khỏi sự xuống cấp. Dường như công chúng và nghệ sĩ không còn quá mặn mà với giải thưởng này. Trong mùa giải MTV Video Music Awards năm 2019, lượng người xem cán mốc thấp kỷ lục chỉ với 1,93 triệu người, đặc biệt hơn thế hệ thanh thiếu niên không còn quá hứng thú với biểu tượng âm nhạc dành cho giới trẻ nữa. Bên cạnh đó, các giải thưởng của MTV Video Music Awards dần thiếu minh bạch. Năm 2014, Drake chiến thắng hạng mục “Best Hip-Hop Video” với ca khúc “Hold On, We're Going Home” dù đây là nhạc phẩm theo thể loại R&B. Điều nay khiến Drake tức giận. Bên cạnh đó, người chiến thắng ở hạng mục “Best Rock Video” không phải là Linkin Park hay The Black Keys, mà là ca khúc “Royals” của Lorde, vốn là thể loại electropop. Mặt khác, MTV Video Music Awards còn bị chỉ trích là lễ trao giải đậm chất scandal. Hàng loạt những sự kiện gây tranh cãi đã đến từ giải thưởng này: Việc Kanye West giật mic của Taylor Swift tại MTV Video Music Awards năm 2009, màn trình diễn phản cảm của Miley Cyrus tại MTV Video Music Awards 2013,…

Tai tiếng nhất có lẽ là Grammy. Được mệnh danh là lễ trao giải không thiên vị, tuy nhiên Grammy cũng vướng không ít scandal. Nhiều nghệ sĩ cho rằng bản chất của Grammy là để quảng cáo âm nhạc. Sinead O'Connor là nhạc sĩ đã từ chối giải Grammy bởi lẽ nữ nghệ sĩ cho rằng đây chỉ là thương mại. Glen Hansard, thủ lĩnh nhóm nhạc rock The Frames của Ireland, tuyên bố vào năm 2008 rằng Grammy không đại diện cho âm nhạc mà chỉ đơn giản là mánh khóe của ngành kinh doanh. Còn Maynard James Keenan – ca sĩ chính của ban nhạc Tool từng đạt bốn giải Grammy cũng chỉ trích: “Tôi nghĩ rằng Grammy không khác gì một cỗ máy quảng cáo khổng lồ cho ngành công nghiệp âm nhạc. Họ phục vụ số đông đối tượng khán giả, không có yêu cầu cao về nghệ thuật. Họ không chú trọng nghệ sĩ như tôn chỉ của mình”.

Đề cử thiếu minh mạch và chất nghệ thuật là bóng tối tiếp theo được lật mở tại Grammy. Tranh cãi được đẩy lên đỉnh điểm với album “My Beautiful Dark Twisted Fantasy” của Kanye West khi sản phẩm đỉnh cao này không được đề cử tại hạng mục “Album của năm” tại Grammy lần thứ 54. Tờ Los Angeles Times khẳng định “My Beautiful Dark Twisted Fantasy” là album đỉnh cao, và Grammy quá chú trọng các bản hit cũ kỹ. Các tờ báo khác như New York Times và Time cũng đưa ra ý kiến tương tự.

Lịch sử lặp lại với Grammy 2020 khi Billie Eilish nhận được bốn giải thưởng lớn, vượt qua cả Ariana Grande và Lana Del Rey. Khi lên nhận giải thưởng, Billie Eilish cũng ngậm ngùi nói album “thank u, next” xứng đáng hơn.

Bên cạnh đó, Grammy cũng vướng phải phân biệt chủng tộc và xem thường phụ nữ. Kendrick Lamar, Childish Gambino và Drake đã nói không với Grammy vì cảm thấy các nghệ sĩ da màu - hiphop không được công nhận đúng với khả năng cống hiến.

Các nghệ sĩ nữ như Lorde cũng tẩy chay Grammy khi cô được đề cử tại hạng mục “Album của năm” nhưng không được tham gia biểu diễn. Lorde cũng khẳng định đây là phân biệt phụ nữ. Đặc biệt hơn tại Grammy 2020, Deborah Dugan - Chủ tịch Viện Hàn lâm thu âm Mỹ (American Recording Academy) - đã bị cho nghỉ việc chỉ sau 6 tháng điều hành. Mới đây, cô đã trình đơn kiến nghị, tố cáo Viện Hàn lâm thu âm Mỹ cho cô nghỉ việc để "trả thù" vì cô đã phát hiện ra loạt hành vi sai trái tại viện bao gồm quấy rối tình dục, phân biệt giới tính và chủng tộc, thủ tục bỏ phiếu không đúng, bê bối tài chính xung đột lợi ích giữa các thành viên hội đồng viện hàn lâm. Dù không biết ai đúng ai sai, nhưng tất cả công chúng đều nhận ra đằng sau mác nghệ thuật của Grammy chứa đầy những toan tính.

 

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng và đóng góp của các lễ trao giải âm nhạc danh tiếng khi các chuyên gia trong ngành vẫn là “đầu tàu” định hướng nghệ thuật theo hướng tốt đẹp hơn. Dẫu vậy, chiếc cúp vàng không phải là tất cả trong sự nghiệp của một nghệ sĩ và nó cũng không chứng tỏ họ không tài năng thật sự. Hàng loạt các nghệ sĩ huyền thoại trong làng nhạc vẫn chưa từng sở hữu chiếc cúp Grammy nào như: Diana Ross, Led Zeppelin, The Beach Boys,… tuy nhiên, âm nhạc của họ vẫn sống mãi. Sau tất cả, lễ trao giải âm nhạc danh tiếng nhất, không thiên vị, toàn tâm toàn ý với nghệ sĩ, vẫn là công chúng.